Công nhân ngành hoá chất có nguy cơ nhiễm độc cao

(Dân trí) - Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành hóa chất là sự tăng cao của số vụ tai nạn hóa chất (chiếm tới 15% tổng số các vụ tai nạn lao động). Người lao động trực tiếp trong ngành hoá chất là những người có nguy cơ nhiễm độc cao nhất do thời gian tiếp xúc lâu dài.

Theo Viện Nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động (NILP),  hiện nay, ngành công nghiệp hoá chất đang phát triển nhanh, mạnh. Các vật liệu mới như vật liệu dẻo, siêu nhẹ, chất chống cháy, chống nước... cũng xuất hiện ngày càng nhiều khiến việc sử dụng hoá chất ngày càng gia tăng.

 

Tuy nhiên, 86% trong tổng số 2.500 hoá chất được sử dụng với số lượng lớn không đủ thông tin an toàn. Nhiều hoá chất có tiềm năng gây nguy hiểm, can thiệp vào hệ thống hooc môn của động vật và con người như: amiăng, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất phụ gia thực phẩm... Chúng là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư, dị ứng hay vô sinh.

 

PGS.TS Lê Văn Trình - Viện trưởng NILP cho biết: Bệnh thường gặp và có tỷ lệ cao nhất ở người lao động là các bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi (40,26%). Tiếp đó là các bệnh liên quan đến điều kiện làm việc như bệnh về cơ, xương, khớp, bệnh đường tiêu hoá và các bệnh về mắt, ngoài da, phụ khoa...

 

Trong số gần 340.000 người được khám sức khoẻ định kỳ tại các cơ sở sản xuất, có gần 3.000 người mắc bệnh nghề nghiệp với tỷ lệ bệnh BP- Silic cao nhất, tiếp theo là bệnh điếc nghề nghiệp, số còn lại chủ yếu như sạm da nghề nghiệp, nhiễm chất độc do hoá chất trừ sâu nghề nghiệp, nhiễm độc chì, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

Th.s Đỗ Thanh Bái, Giám đốc trung tâm Môi trường và an toàn hoá chất (Bộ Công nghiệp), cho biết: hiện có khoảng 50 công ty, cơ sở sản xuất phân bón hoá học, cao su, chất dẻo, chất tẩy rửa, hoá chất bảo vệ thực vật đang hoạt động. Khoảng 30.000 lao động, trong đó khoảng 11.000 công nhân, phải tiếp xúc với hoá chất hàng ngày với tình trạng thiết bị cũ kỹ, công nghệ sản xuất lạc hậu, lao động thủ công là phổ biến. Do vậy, số công nhân mắc bệnh nghề nghiệp tương đối cao và tai nạn lao động xảy ra khá nhiều.

 

Theo Th.s Bái, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn hoá chất là do người quản lý lao động đã không cung cấp đủ các qui định về an toàn lao động đối với các hoá chất và các phương tiện bảo vệ đảm bảo an toàn hoá chất. Phía người lao động thì không tuân thủ những qui định về an toàn lao động.

 

Một nguyên nhân khác là do các cơ quan cung cấp hoá chất chưa chịu cung cấp đầy đủ thông tin về hoá chất cho người sử dụng. Người cung cấp hóa chất chưa bị ràng buộc bởi luật pháp về điều khoản này nên dẫn đến tình trạng không biết truy cứu nguyên nhân xẩy ra sự cố hay xử lý sự cố ngay cả đối với trường hợp đơn giản.

 

Phạm Thanh - Ngân Vũ