1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân may bỏ thành về tỉnh

Phan Thị Tuyết cắm cúi ghi chép những thông tin tuyển dụng công nhân may tại công ty dệt may Thành Công vào một buổi chiều tuần qua, lắc đầu thở dài: "Mức lương cũng chẳng khá hơn những công ty trước…".

Mấy năm trước, từ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Tuyết bỏ quê vào Sài Gòn, với hy vọng tìm được việc làm ổn định. Bốn năm đi may ở Sài Gòn, chị đã chuyển đến 8 chỗ làm cả thảy. Lý do nhảy việc của chị là, "tìm chỗ có thu nhập cao hơn, dù chỉ là vài chục ngàn đồng mỗi tháng".

Bỏ việc, vì lương thấp?

Suy nghĩ của Tuyết cũng chính là tâm trạng của nhiều công nhân may vào thời điểm này. Họ không còn mặn mà với ngành may, bởi thu nhập thấp, công việc nhàm chán, chưa kể đến mức độ độc hại mà  hàng ngày họ phải đối mặt, trong khi mức phụ cấp độc hại không quá 100.000 đồng/tháng.

Tuyết cho hay, chị vừa mới bỏ việc ở một công ty may tư nhân ở Hóc Môn, tìm việc mới, với mong muốn thu nhập khá hơn. Ở công ty cũ, mỗi ngày công Tuyết chỉ được 30.000 đồng, đây là mức lương cao nhất đối với công nhân bậc A, với trên 3 năm kinh nghiệm trong ngành may. Có tháng làm đến 3 ca mỗi ngày, lương cộng với phụ cấp làm thêm, chị chỉ nhận xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng.

Tuần trước, có người vào khu nhà trọ chị phát tờ rơi, với nội dung: "Những công ty may xuất khẩu lớn ở Tân Bình đang tuyển công nhân, mức lương tới hơn 1 triệu đồng/tháng". Tuyết chính là người tiên phong nghỉ việc, đi tiền trạm xem xét tình hình để đưa gần 20 người đồng hương của chị, chuẩn bị "di tản" vô khu công nghiệp Tân Bình, mong tìm cơ hội mới, với mức lương cao hơn.

Nghề may không còn hấp dẫn!

"Không có nghề nào dễ xin việc bằng nghề may và cũng chẳng có ngành nào tuyển công nhân khó bằng nghề may vào thời điểm này". Giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp may tư nhân ở khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM khái quát về tình hình khan hiếm công nhân may như vậy.

Mỗi tháng, công ty cử người ra các tỉnh miền Trung tuyển lao động. "Có một điều nghịch lý, khi chúng tôi tuyển lao động phổ thông từ tỉnh về đào tạo, làm được mấy tháng, đến tết họ về quê và ở lại làm luôn cho những công ty, cơ sở may của địa phương họ", vị giám đốc trên ngao ngán nói.

Bà Châu Ngọc Yến, phụ trách nhân sự công ty may Đông Minh, tại KCX Tân Thuận, cho hay, từ tháng 10/2002, thời điểm thành lập công ty đến giờ, chưa lúc nào công ty ngưng tuyển công nhân. Nhưng số lao động vẫn thiếu hụt thường xuyên. Mức lương trung bình mà Đông Minh trả cho công nhân là 709.000 đồng/tháng, với kinh nghiệm may từ 2 đến 3 năm.

Trong quá trình phỏng vấn lao động, bà Yến thừa nhận rằng, lương thấp là một trong những lý do công nhân thay đổi chỗ làm và bỏ việc. "Chúng tôi trả cho công nhân mức lương cơ bản cao hơn luật định. Nhưng công nhân vẫn bỏ việc để tìm chỗ có mức lương cao hơn, theo lời rủ rê của bạn bè làm ở những công ty khác", bà Yến nói.

Theo bà Lê Thị Ngọc Liên, trưởng bộ phận cung ứng lao động ngành may thuộc Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), hiện đơn đặt hàng của các doanh nghiệp may đã lên tới 3.000 lao động. Cầu tăng mạnh, nhưng cung thưa dần, mỗi ngày trung tâm chỉ tuyển được 20 lao động trong ngành may.

Mặc dù HEPZA cùng những doanh nghiệp may đưa ra nhiều chế độ ưu đãi để thu hút nhân lực ngành may như tăng lương, hỗ trợ nhà ở, cho học văn hoá miễn phí, nhưng vô vọng. Đã có doanh nghiệp khuyến khích mỗi công nhân trong công ty, giới thiệu được một lao động mới vô làm sẽ được thưởng 50.000 đồng, nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.

"Đây là sự chuyển dịch ngành nghề lao động ở thành phố, nghề may không còn hấp dẫn với giới trẻ nữa. Tình trạng này không thể giải quyết rốt ráo được, trong tương lai ngành may sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa". Bà Liên nói, xu hướng tương lai của ngành dệt may sẽ được chuyển về các tỉnh, bởi ngành không còn phù hợp ở những đô thị lớn như TPHCM.

Không thể phủ nhận mức lương của ngành may trên dưới 1 triệu đồng là thấp. Nhưng theo lời của một công nhân làm ở ngành may: "Mức lương khởi điểm của chúng tôi làm sao được 1 triệu đồng? Tôi may ba năm nay, được hai lần tăng lương, vẫn tròm trèm gần 750.000 đồng/tháng. Với mức giá cả như hiện tại, làm sao mà sống nổi?". Trong việc quy hoạch, đào tạo và tuyển dụng lao động ngành may, có lẽ những nhà quản lý nên lưu tâm đến ý kiến này.    

Theo Sài Gòn Tiếp Thị