Công nhân lo "mất" Tết nếu không được tăng ca

(Dân trí) - "Giờ chỉ mong công ty có đơn hàng liên tục để được đi làm đều, kiếm tiền trả nợ. Làm xuyên Tết cũng được, tăng ca 8 giờ/ngày cũng được, nghỉ mấy tháng ở nhà, nợ chồng chất rồi", chị An tâm sự.

Không được tăng ca, không mơ Tết

Công nhân lo mất Tết nếu không được tăng ca - 1

Nhiều công nhân mong được tăng ca nhiều để làm bù những tháng nghỉ, kiếm tiền trả nợ.

Những ngày qua, trên các diễn đàn tâm sự công nhân có nhiều chia sẻ về "Kiến nghị tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm". Theo các chuyên gia, doanh nghiệp thì việc nới "trần" làm thêm 300 giờ/năm lúc này là để bù đắp việc thiếu hụt lao động sau dịch Covid-19. Với nhiều công nhân, đây là hướng giải quyết giúp họ có thêm tiền trang trải chi phí. Người lao động chấp nhận làm thêm vì "không có tiền khổ lắm".

Chị Nguyễn Thùy An (ngụ tại Quận 12, công nhân khu chế xuất Linh Trung) bày tỏ, 4 tháng nghỉ dịch, nhiều công nhân đã lâm vào cảnh khó khi bị ngưng việc, mất việc. Bản thân chị cũng nợ bạn bè gần 20 triệu đồng sau thời gian giãn cách. Từ đầu tháng 10, dù đã đi làm trở lại nhưng thu nhập của chị vẫn chưa thực sự ổn định.

"Công nhân như chúng tôi 10 người thì 9 người có hoàn cảnh khó khăn, vừa nuôi gia đình vừa phụ giúp cha mẹ ở quê, lương hàng tháng lĩnh xong, có khi chỉ một tuần là sạch trơn. Chúng tôi mong làm thêm càng nhiều càng tốt. Tăng 6 giờ, 8 giờ mỗi ngày cũng được, cứ có tiền là công nhân chấp nhận, mệt chút nhưng có tiền vẫn vui", chị An cho hay.

Theo chị An, càng gần Tết, công nhân càng mong được tăng ca nhiều. Nếu cuối năm mà công ty không yêu cầu tăng ca, nhiều công nhân buồn ra mặt.

Công nhân lo mất Tết nếu không được tăng ca - 2

Nhiều công nhân như chị An sợ Tết không có tiền lo cho gia đình nếu không được tăng ca.

"Cận Tết mà không tăng ca là Tết không vui rồi, tiền ít sao vui được. Nhiều người còn mong được tăng ca xuyên Tết. Năm nay chắc ít người về quê nên tăng ca vừa có thêm tiền, vừa đỡ buồn khi ở lại thành phố ăn Tết. Tiền tăng ca để gửi về quê cho bố mẹ, để trả nợ", chị An nói thêm.

Cùng tâm sự như chị An, chị Trần Thị Lụa (công nhân ở quận Tân Phú) nhấn mạnh: "Chưa khi nào công nhân, người lao động mong được tăng ca như năm nay. Tăng ca càng nhiều công nhân càng thích. Dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân đã nghèo nay còn nghèo hơn. Dù vẫn được hỗ trợ nhưng chúng tôi cũng mong muốn kiếm được đồng tiền do chính tay mình làm ra".

Chị Lụa cho biết, hơn 10 năm mưu sinh ở TPHCM, chưa năm nào chị không về quê dịp Tết. Tuy vậy, năm nay chị chấp nhận ăn Tết xa nhà vì "thực sự không còn tiền, không dám mơ Tết, nghĩ đến Tết là sợ". Năm nay, hai vợ chồng dự định sẽ làm xuyên Tết để kiếm tiền trả nợ và mua thêm đồ dùng học tập cho 3 con.

Giải pháp tạm thời

Công nhân lo mất Tết nếu không được tăng ca - 3

Theo một số chuyên gia, việc tăng giờ làm thêm chỉ là biện pháp nhất thời.

Ông Huỳnh Bảo Toàn (Giám đốc doanh nghiệp nội thất ở Quận 12) cho rằng, việc nới "trần" giờ làm thêm cần phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

"Tăng thời gian làm thêm thì phải hài hòa giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và người lao động. Làm thêm càng nhiều giờ thì càng cần phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động, không chỉ tăng tiền lương mà còn phải tăng dinh dưỡng bữa ăn, hỗ trợ tiền phòng trọ... để công nhân an tâm sản xuất, đạt năng suất cao", ông An chia sẻ.

Từ thực tế, ông Toàn nhận định, hiện rất nhiều doanh nghiệp cần người lao động tăng giờ làm để kịp hồi phục sản xuất. Đặc biệt, dịp cuối năm, các doanh nghiệp sẽ phải "gồng mình" kéo lỗ cho thời gian giãn cách nên việc tăng giờ làm là thực sự cấp bách. Chưa dừng lại ở đó, năm 2022, các doanh nghiệp cũng sẽ luôn cần lao động để khôi phục sản xuất nhằm đáp ứng thị trường sau dịch.

"Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đã khuyến khích kéo dài thời gian làm thêm nhưng phải đảm bảo phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Họ nhấn mạnh đến sức khỏe của người lao động vì nếu thu nhập tăng mà sức khỏe giảm thì không còn ý nghĩa. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp nhất thời, về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn cần chú trọng tăng năng suất lao động hơn là tăng thời gian lao động", ông Toàn thông tin thêm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng việc nới "trần" thời gian làm thêm trong tháng, trong năm chỉ nên là giải pháp tạm thời. Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian áp dụng việc tăng giờ làm thêm trong 2 năm từ 1/1/2022 - 31/12/2023. Nếu được áp dụng, thời gian làm thêm của người lao động có thể lên đến 104 giờ/tháng, gấp 2,5 lần so với bình thường.

Theo Bộ luật lao động năm 2019, số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng, tổng số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm. Một số nghề sản xuất hàng hóa đặc thù như dệt may, da, giày, điện, điện tử, thủy sản... được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Điều kiện để người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm khi được sự đồng ý của người lao động, bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày.