Doanh nghiệp và người lao động đều muốn tăng ca

Thời gian nghỉ phòng chống dịch quá lâu, tiền bạc đã cạn nên công nhân muốn tăng ca để có thêm chi phí trang trải cuộc sống

Trước sức ép từ các đơn hàng và thực tế chuỗi cung ứng sản xuất bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã xây dựng dự thảo điều chỉnh giờ làm thêm của người lao động (NLĐ).

Dự thảo được xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ/tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200 - 300 giờ/năm cho tất cả ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù như quy định hiện hành.

Cơ hội cải thiện thu nhập sau dịch

Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được NLĐ đồng ý, bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần, thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tháng. Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019 chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định chặt chẽ trong bối cảnh đại dịch tác động lâu dài dễ ảnh hưởng nghiêm trọng các ngành kinh tế. Đặc biệt là nông sản, thủy sản, hải sản đến vụ mùa cần thu mua, chế biến nhưng thiếu công nhân (CN). Việc điều chỉnh nhằm phục hồi sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến 31-12-2024. Bởi theo tính toán đây là thời điểm doanh nghiệp (DN) đã phục hồi và cũng không gây quá tải cho NLĐ khi phải làm thêm liên tục trong thời gian dài. Khi được hỏi về đề xuất nói trên, chị Nguyễn Thị Hảo, CN Công ty Freetrend (KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM), rất phấn khởi. Chị Hảo cho biết chị làm CN còn chồng làm phụ hồ nhưng mất việc gần 4 tháng nay vẫn chưa đi làm lại. "Tôi may mắn còn được hưởng 75% lương cơ bản nên cả nhà còn ráng trụ lại TP, nhiều người trong xóm trọ của tôi đã về quê vì cạn kiệt tiền bạc. Gia đình tôi 4 người nhưng chỉ có mình tôi có việc làm, nếu không làm thêm không có tiền đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền lo cho 2 con nhỏ. Tết cũng cận kề rồi, năm nay có thể cả gia đình tôi không về quê ăn Tết nhưng cần một số tiền gửi về cho ông bà" - chị Hảo bày tỏ.

Doanh nghiệp và người lao động đều muốn tăng ca - 1

Công nhân Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) mong được làm thêm giờ để trang trải cuộc sống sau dịch Ảnh: HỒNG ĐÀO

Chị Lưu Thị Huyền, CN Công ty TNHH May mặc Thượng Đỉnh (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết lương cơ bản của chị khoảng 5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thu nhập tăng lên hơn 6 triệu đồng/tháng. Là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái học lớp 4 nên khoản thu nhập ít ỏi đó phải chi phí cho rất nhiều khoản từ tiền nhà trọ, tiền học đến tiền ăn uống, sinh hoạt… nên thiếu trước hụt sau. "Nếu thu nhập đủ sống thì chẳng ai muốn tăng ca nhưng với hoàn cảnh của tôi, không làm thêm thì khó sống. Tôi muốn tăng ca nhiều hơn để cuộc sống gia đình dễ thở hơn" - chị Huyền nói.

Nhu cầu có thật

Trao đổi về vấn đề làm thêm giờ, ông Đinh Sỹ Khương, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), cho biết DN đã hoạt động trở lại từ ngày 4-10, với khoảng 80% lao động, số còn lại đã về quê hoặc vướng cách ly hiện chưa trở lại. Do công tác tuyển dụng gặp khó khăn, trong khi nhiều đơn hàng gấp nên gần 1 tuần nay, công ty đã thỏa thuận với CN tăng ca.

Thực tế tại công ty cho thấy nhu cầu tăng ca không đơn thuần xuất phát từ phía DN mà cả từ phía NLĐ. Hầu hết CN đều đề nghị được tăng ca để tăng thu nhập. Theo ông Khương, thời gian nghỉ phòng chống dịch quá lâu, kinh tế của NLĐ đã cạn kiệt nên họ muốn làm để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Nếu không tăng ca, lương cơ bản của CN được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, còn nếu tăng ca thì thu nhập NLĐ có thể đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, khi tăng ca, CN còn được công ty hỗ trợ bữa ăn giữa ca, chưa kể các khoản thưởng năng suất, chuyên cần… "Công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tăng thu nhập. Ví dụ đối với 2 vợ chồng cùng làm trong công ty có con nhỏ thì có thể được bố trí làm lệch ca để vừa làm việc thuận tiện vừa thay phiên nhau chăm sóc con cái" - ông Khương cho biết.

Cũng theo ông Khương, tình hình dịch bệnh xảy ra thời gian qua là chưa có tiền lệ khiến DN và NLĐ lâm vào tình huống khó khăn. Bên cạnh đó, đa số DN đều có những mùa sản xuất cao điểm, thấp điểm nên nhu cầu sử dụng lao động cũng biến động theo. Do đó, nên chăng trong thời gian phục hồi kinh tế này, Chính phủ không nên quy định cứng khung giờ tăng ca là không quá 12 giờ trong 1 ngày, không quá 40 giờ trong 1 tháng mà chỉ nên quy định tổng số giờ tăng ca tối đa trong năm để DN và NLĐ tự thương lượng thời gian làm thêm sao cho phù hợp nhu cầu và sức khỏe của các bên sẽ thỏa đáng hơn.

Xuất hiện hơn 100 F0 nên từ ngày 1-7, Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) phải tạm ngừng hoạt động. Ngày 4-10, công ty hoạt động trở lại với 950/1.200 CN. Theo ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty, qua khảo sát sơ bộ có hơn 50 CN xin nghỉ việc hoặc về quê trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Hiện công ty có 70 CN nhà ở Bình Dương, đi xe đưa rước của công ty đến nay vẫn chưa đi làm được. Vì thế, DN thiếu lao động trong khi đó suốt 4 tháng tạm ngừng hoạt động, công ty vẫn còn "nợ" nhiều đơn hàng của đối tác, để kịp tiến độ đơn hàng, công ty phải tăng ca bình quân 2,5 giờ/ngày. "Tôi nghĩ mức tăng ca 200 giờ/năm rất lạc hậu vì nhiều DN vẫn tăng ca do đơn hàng gấp. Tôi mong Quốc hội xem xét nâng mức trần tăng ca lên 300 giờ/năm" - ông Tài đề xuất. 

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Cần tính toán kỹ

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, việc đề xuất tăng thời gian làm thêm là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hoạt động của DN, giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Tôi ủng hộ đề xuất xem xét tăng giờ làm thêm, song cần giới hạn số thời gian làm thêm giờ theo tháng để bảo đảm sức khỏe của NLĐ, tránh trường hợp DN huy động làm việc nhiều tháng liên tục. Theo tôi, chỉ nên xem đây là giải pháp tình thế và áp dụng đến hết ngày 31-12-2023.