Công nhân lo lắng công việc lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Mới chỉ lắng xuống được ít lâu, nay dịch COVID-19 bùng phát trở lại, khiến nhiều công nhân khu công nghiệp lo lắng công việc của mình sẽ lại bị ảnh hưởng.

Mới chỉ lắng xuống được ít lâu, nay dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến nhiều công nhân khu công nghiệp lo lắng công việc của mình sẽ lại bị ảnh hưởng. 

Sau 15 năm làm công nhân trong Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), lần nghỉ việc bất đắc dĩ lâu nhất của chị Nguyễn Thị Yến (SN 1987), quê ở Thái Nguyên là 2 tháng. 

Sáng 31/7, giặt quần áo xong, chị Yến lấy điện thoại ra đọc tin tức rồi thốt lên: “Hôm nay lại thêm 45 ca nhiễm mới rồi”. 

Công nhân lo lắng công việc lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - 1

Tháng 6 và 7, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Yến được cho nghỉ theo chế độ ngừng việc của công ty. Mỗi tháng chị nhận hỗ trợ 4,2 triệu đồng. Thu nhập giảm đi một nửa so với lúc đi làm bình thường. 

Dự kiến, ngày 1.8, chị Yến sẽ đi làm trở lại, nhưng đọc tin tức xong chị lo không biết sắp tới, việc làm của mình có tiếp tục bị ảnh không.

Anh Học (chồng chị Yến) cũng đã có 4 tháng liền không kiếm được đồng nào. Bởi thời gian có dịch, công việc bán bê - tông tươi cho công ty tư nhân của anh phải tạm ngưng. Thu nhập được tính theo khối lượng bê - tông bán được cho khách trong khi thực tế phải tạm nghỉ nên suốt 4 tháng vừa qua, anh Học phải tiêu "lẹm" vào khoản tiền dàng dụm của hai vợ chồng. 

Cũng giống như chị Yến, anh Học vô cùng lo lắng trước diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay. Ngoài thực phẩm ăn uống hàng này, những khoản chi tiêu khác đều được hai vợ chồng cắt giảm. 

Còn với chàng trai dân tộc Mông - Giàng A Phứ (SN 1999) nỗi lo ấy càng nhân lên gấp bội. 

Một mình lặn lội xuống Hà Nội tìm việc làm với mong ước thoát nghèo, Phứ đã phải trải qua không ít khó khăn. Nhà của Phứ nằm sâu trong bản Mí Háng Tâu, xã Pú Luông (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Theo lời của Phứ, ở đó gần đây mới có điện chiếu sáng.

Lần đầu tiên xuống Hà Nội tìm việc, Phứ phải vay mượn mọi người, cùng với gom góp được tất thảy 2 triệu đồng đi đường và thuê trọ. May mắn có được công việc của công nhân Khu Công nghiệp Thăng Long, Phứ nghĩ bản thân sẽ ổn định, có tiền gửi về nhà giúp đỡ bố mẹ. 

Thế nhưng, vì Phứ chỉ là công nhân thời vụ nên dù đã làm được 6 tháng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh vẫn bị cho nghỉ việc.

Không có việc làm, không có tiền, Phứ đành về quê tiếp tục làm nương. Được một thời gian, nghĩ như vậy vẫn khó mà thoát nghèo, Phứ lại dắt túi mấy trăm nghìn trở lại Hà Nội. 

Công nhân lo lắng công việc lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - 2

 Giàng A Phứ xem lại bộ hồ sơ để chuẩn bị đi xin việc làm mới. Ảnh: Quỳnh Hân

Vì có một số bạn bè quen ở dưới này, thỉnh thoảng Phứ được cho em ké trong thời gian tìm việc làm mới. Với Phứ điều đó giống như một sự "cưu mang" đầy ý nghĩa, giúp anh có thể tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt. 

Buổi trưa 31/7, sau hơn chục ngày nằm ở phòng trọ vì ốm, Phứ tranh thủ xem lại bộ hồ sơ xin việc của mình. Hỏi thì Phứ bảo: "Lúc xuống lại Hà Nội, tôi cũng đã vượt qua vòng phỏng vấn của một công ty trong Khu Công nghiệp Thăng Long, nhưng đến khi được gọi đi làm thì bị ốm nên giờ tôi phải làm hồ sơ khác để xin việc. 

Đối diện với nguy cơ tác động của dịch khi bùng phát trở lại, Phứ thấm thỏm rồi không biết mình có xin được việc hay không. Nếu may mắn được nhận vào làm, dù mức lương chỉ từ 3-4 triệu đồng thì với Phứ điều đó cũng hơn so với phải trở về quê làm nương.