Sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm trong mùa dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Nhiều sinh viên tốt nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lời khuyên của một số chuyên gia sẽ phần nào giúp nhóm lao động này tìm được giải pháp.

Loay hoay tìm việc

Từ năm 2019, Ma Thanh Đức (23 tuổi) đã tốt nghiệp ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng (Đại học Đại Nam). Trước đó, Đức đã đi thực tập và được giữ lại công ty để làm việc tại Hà Nội. Sau khi đại dịch Covid-19 gia tăng từ đầu năm 2020, ngành truyền thông bị ảnh hưởng nặng nề khiến Đức mất việc.

“Còn ít kinh nghiệm nên em nằm trong diện hàng đầu bị cắt giảm nhân sự. Mất việc, em đã đi nộp hồ sơ mấy chỗ nhưng chưa có kết quả” - Ma Thanh Đức cho biết.

Trong khi chờ đợi nền kinh tế phục hồi và cơ hội xin việc dễ hơn, Đức trở về quê nhà Tuyên Quang phụ giúp gia đình làm nông nghiệp.

Tốt nghiệp sau Đức, Phạm Thị Lan Hương (cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trường Đại học Khoa học, thuộc ĐH Thái Nguyên) có "khá khẩm" đôi chút khi tìm việc.

Sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm trong mùa dịch Covid-19 - 1

Chật vật ứng tuyển ở nhiều nơi, cuối cùng, cô gái 22 tuổi này cũng xin được công việc đúng ngành nghề được học. Nhưng đổi lại, Hương phải chuyển đến tỉnh khác để làm việc với mức lương không cao.

“Dự định của em là xin việc tại Hà Nội không thành. Vì vậy, em tạm chấp nhận làm lễ tân tại một nhà hàng tại Nam Định, với mức lương là 4,5 triệu đồng/tháng. Sau này có cơ hội em sẽ chuyển về Hà Nội làm việc theo đúng nguyện vọng” - Phạm Lan Hương chia sẻ.

Câu chuyện của Đức và Hương cũng chỉ là nét chấm phá cho tình hình thất nghiệp, khó tìm việc trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay.

Số lượng lao động thất nghiệp và tìm việc vẫn còn cao trong thời gian qua. Điều này có thể thấy rõ trong kết quả của Bản tin cập nhập thị trường lao động Việt Nam của Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) quý 1/2020.

Qua đó, tổng số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2020 trên cả nước là gần 1,1 triệu người, chiếm 2,22%, cùng kỳ năm trước là 2,17%.

Không quá lo lắng

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động. Người lao động phải tìm công việc khác do không tìm được vị trí như mong muốn.

Sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm trong mùa dịch Covid-19 - 2

“Trong tình hình đó, người lao động nên đánh giá bản thân xem đã đáp ứng được tiêu chí của nhà tuyển dụng hay chưa, việc đào tạo đã phù hợp với thực tế hay không?” - ông Vũ Quang Thành đưa ra lời khuyên.

Theo ông Vũ Quang Thành, các bạn trẻ không quá lo lắng khi chưa tìm được việc làm như mong muốn. Thay vào đó nên dành thời gian này để học hỏi, bổ sung thêm kiến thức, phục vụ bản thân sau này.

Ông Vũ Quang Thành đơn cử: “Các bạn có thể học thêm tiếng anh, tin học, sức khỏe, kỹ năng giao tiếp, ý thức làm việc…”.

Quan sát từ góc độ nhân lực du lịch, ông Lê Đức Trung - Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Đà Nẵng cho rằng tình trạng khó khăn trong tìm việc lúc này là dễ hiểu.

“Thị trường du lịch vài năm trở lại đây đang phát triển “nóng”. Doanh nghiệp đầu tư nhiều vào du lịch. Chịu ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm mọi tồn tại, trong đó có giảm nhân sự. Điều này cũng gây khó với nhiều lao động trẻ đang tìm việc” - ông Lê Đức Trung nói.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đào tạo nhân lực và nhu cầu của xã hội vẫn đang cũng dẫn đến tình trạng thiếu việc làm.

Ông Lê Đức Trung giải thích thêm: “Việc lựa chọn nghề nghiệp để theo học rất quan trọng. Một số trường, đang đào tạo ồ ạt những ngành mà xã hội không có nhiều nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên lựa chọn ngành học không có sự tính toán, dẫn việc bằng cấp không phù hợp với yêu cầu xã hội”.

Hà Nội: Tình hình tìm việc gặp khó do Covid-19

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thống kê của tất cả các quận huyện, địa bàn TP. Hà Nội, từ tháng 4 có khoảng 65.000-67.000 lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm. Dự báo từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 100.000 người thất nghiệp, tạm hoãn HĐLĐ. Trên cơ sở thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), qua trong 6 tháng đầu năm 2020, gần 40.000 người lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm. Riêng quý 2/2020, con số tăng thêm 70,8% so với quý 1.2020.