1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân, lao động kỹ thuật cao nêu khó khăn mong Thủ tướng tháo gỡ

Nhiều khó khăn, vướng mắc và những kỳ vọng trong quá trình làm việc sẽ được công nhân, lao động kỹ thuật cao chia sẻ, mong muốn được Thủ tướng tháo gỡ.

Nhiều khó khăn, vướng mắc và những kỳ vọng trong quá trình làm việc sẽ được công nhân, lao động kỹ thuật cao chia sẻ, mong muốn được Thủ tướng tháo gỡ.

Sáng 5/5 tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao của 7 địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Công nhân, lao động kỹ thuật cao nêu khó khăn mong Thủ tướng tháo gỡ - 1

Công nhân Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông làm việc trên dây chuyền điện tử hiện đại. Ảnh: Hải Nguyễn
 

Đây là những người đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài; tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của thế giới để sản xuất thiết bị máy móc hiện đại.

Bên lề diễn đàn, nhiều công nhân, lao động kỹ thuật cao bày tỏ sự vinh dự khi được là đại diện tham dự buổi gặp gỡ với Thủ tướng.

Ông Đoàn Thái Ngọc - Tổng công ty Việt Thắng, Liên đoàn Dệt may Việt Nam cho biết bản thân rất vui khi đến với chương trình, đây là diễn đàn mà Thủ tướng hiểu được tâm tư, tình cảm, đời sống của công nhân, lao động kỹ thuật cao nói riêng và toàn thể công nhân nói chung. Từ đó có những giải pháp cụ thể giúp cho công nhân lao động làm việc hiệu quả hơn.

Ông Ngọc hy vọng nhà nước tạo nhiều điều kiện để đội ngũ công nhân công nghệ cao trau dồi kiến thức giữa các liên ngành với nhau để có thể học hỏi nhiều hơn và áp dụng được những công nghệ cao trên thế giới. Bên cạnh đó mở rộng nhiều lớp đào tạo cho đội ngũ công nhân công nghệ cao.

Nói về những khó khăn mà mình gặp phải trong quá trình làm việc ở lĩnh vực sản xuất các thiết bị âm thanh, ông Lê Văn Trực - Công ty Foster Đà Nẵng cho biết, bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ.

Ông Trực nói: "Khi ra nước ngoài làm việc, những công nghệ trong lĩnh vực sản xuất rất nhiều nhưng Việt Nam còn hạn chế nên tôi phải tự tìm hiểu để tiếp cận với những công nghệ cao trên thế giới".

Ông Trực bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các công ty công nghệ cao có thể đầu tư vào trong nước nhiều hơn nữa, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời các doanh nghiệp nên tổ chức các buổi hội thảo giao lưu về công nghệ để các doanh nghiệp tiếp xúc và trao đổi công nghệ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Công nhân lao động kỹ thuật cao đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn, quá trình đào tạo phải bài bản để có tay nghề cao phục vụ cho công việc - đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thọ - Công ty Hoa tiêu hàng hải, Khu vực 1.

Theo ông Thọ, việc quan trọng nhất hiện tại là phát triển được nguồn nhân lực về tay nghề, tác phong, ngoại ngữ. Bên cạnh đó là vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, chế độ lao động, môi trường làm việc, lương bổng cũng là những điều rất quan trọng. Ông Thọ mong muốn Chính phủ có thể quan tâm hơn về các vấn đề này để người lao động toàn tâm, toàn ý cống hiến hết mình cho công việc.

Với chủ đề: “Công nhân kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với công nhân, lao động kỹ thuật cao sẽ xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; Những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; Đề xuất của công nhân, người lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; Cần làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; Tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

Theo Báo Lao động