Quảng Trị:
Công nhân bị tai nạn lao động, phát hiện doanh nghiệp mắc nhiều sai phạm
(Dân trí) - Ngoài việc không trả lương cho công nhân trong thời gian cấp cứu, điều trị do tai nạn lao động, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Tiến Phong Cam Lộ mắc hàng loạt sai phạm khác.
Không đóng BHXH, trả lương cho công nhân bị tai nạn
Ngày 30/7, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Tiến Phong Cam Lộ (Công ty Tiến Phong Cam Lộ).
Trước đó, vào ngày 29/7, tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã diễn ra buổi đối thoại giữa Đoàn Thanh tra LĐ-TB&XH, bà Trần Thị Dung (trú tại Gio Sơn, Gio Linh) và lãnh đạo Công ty Tiến Phong Cam Lộ liên quan đến khiếu nại về vụ tai nạn lao động (TNLĐ).
Bà Trần Thị Dung là công nhân làm việc tại Công ty Tiến Phong Cam Lộ, bị TNLĐ trong thời gian làm việc tại công ty. Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 9/4/2020 khiến cánh tay của bà Trần Thị Dung bị dập nát, xương gãy vụn.
Từ đơn khiếu nại của bà Trần Thị Dung, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã thụ lý giải quyết khiếu nại. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động được xác định do bà bất cẩn, đứng vệ sinh máy không đúng vị trí.
Tuy nhiên, Đoàn thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của đơn vị sử dụng lao động là Công ty Tiến Phong Cam Lộ về việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động tại công ty.
Cụ thể, sau khi xảy ra TNLĐ, Công ty không báo cáo về Sở LĐ-TB&XH; không thực hiện ký hợp đồng lao động với bà Trần Thị Dung, trong khi bà này vào làm việc tại công ty từ tháng 12/2019 - 4/2020; không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với bà Trần Thị Dung đối với công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (chế biến gỗ).
Khi xảy ra TNLĐ, công ty không thực hiện chi trả lương cho người lao động trong thời gian điều trị và phục hồi chức năng; không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động…
Trong đó, việc Công ty không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho bà Trần Thị Dung và không hướng dẫn quy trình vận hành. Việc này dẫn đến trong quá trình sản xuất tại công ty, bà Trần Thị Dung không hiểu biết để chủ động phòng tránh trước những yếu tố và nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNLĐ.
Yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho công nhân bị TNLĐ
Qua đó, Đoàn thanh tra đề nghị, Công ty Tiến Phong Cam Lộ phải thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đối với công nhân, như: Thanh toán các khoản liên quan đến chi phí sơ cứu, cấp cứu, chi phí y tế không nằm trong danh mục do bảo hiểm chi trả và thanh toán giám định suy giảm khả năng lao động; trả tiền lương đầy đủ cho bà Trần Thị Dung trong thời gian điều trị và phục hồi chức năng.
Ngoài ra, công ty phải giới thiệu bà Trần Thị Dung đến Hội đồng giám định y khoa giám định về mức suy giảm khả năng lao động. Trên cơ sở đó thực hiện bồi thường cho bà; chi trả số tiền tương ứng chế độ bảo hiểm TNLĐ khi người sử dụng lao động không đóng Bảo hiểm TNLĐ thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Dương - người được Giám đốc Công ty Tiến Phong Cam Lộ ủy quyền, thừa nhận công ty này chưa thực hiện đúng với quy định của Luật An toàn - Vệ sinh lao động; không trả lương cho bà Trần Thị Dung trong thời gian cấp cứu, điều trị về TNLĐ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dương cũng mong muốn đoàn thanh tra xem xét, vì công ty này có tổ chức huấn luyện về an toàn lao động nhưng thời điểm tổ chức thì bà Trần Thị Dung tự bỏ việc. Đến khi bà đi làm lại thì chưa được huấn luyện.
Sau khi thống nhất các nội dung nêu trên, tại buổi đối thoại, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Tiến Phong Cam Lộ về việc không thực hiện giao kết hợp đồng lao động với bà Trần Thị Dung; không khai báo, điều tra TNLĐ khi bà này bị TNLĐ; không tổ chức huấn luyện an toàn lao động.
Theo bà Trần Thị Dung, dù bỏ ra nhiều tiền, mất nhiều thời gian điều trị nhưng cánh tay vẫn không hoạt động được, dẫn đến cuộc sống rất khó khăn. Sau hơn một năm từ lúc gặp TNLĐ đến nay, bà mới chỉ nhận được sự hỗ trợ 17 triệu đồng từ phía công ty.
Ông Nguyễn Lộc - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện các nội dung như trong biên bản đối thoại. Quá trình thanh tra, chúng tôi xác định không ít vi phạm, nhưng để hợp tình, hợp lý, chúng tôi cân nhắc, cái xử phạt, cái nhắc nhở với mục đích vừa răn đe, vừa hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn".