Cô giáo làm nhang sinh học từ cây cỏ dại
(Dân trí) - Từ cây quao dại ven nhà, cô giáo Ngô Song Đào (Bến Tre) đã sản xuất ra loại nhang sinh học để đuổi muỗi. Đề tài nghiên cứu này đã đoạt giải quốc gia về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.
Biến giấc mơ thành sự thật
Cô giáo Ngô Song Đào (sinh năm 1971) hiện là giáo viên sinh học trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ, cô Đào đã biết công dụng của lá quao mọc ở các mé sông khi đốt có tác dụng xua đuổi côn trùng, đặc biệt là muỗi.
Sau khi trở thành giáo viên sinh học, chị đã chứng kiến học sinh hằng ngày phải sử dụng nhang muỗi rất độc hại. Chị bắt đầu hình thành ý tưởng sản xuất một loại nhang không có chất độc hại, an toàn khi đốt, đặc biệt có tác dụng chống côn trùng.
“Vào năm 2014, tôi thấy học sinh của mình thường thắp nhang muỗi để học bài. Sau khi tìm hiểu tôi biết được chất độc tỏa ra từ một khoanh nhang muỗi tương đương 70 - 130 điếu thuốc lá, như vậy thì nó quá độc. Từ đó mình mới có suy nghĩ là cần có một sản phẩm sạch để thay thế”, chị Đào tâm sự.
Nghĩ là làm, cô giáo sinh học bắt tay vào nghiên cứu cách làm nhang từ lá quao, sau 16 lần chỉnh sửa công thức. Đến năm 2016, chị Đào mới sản xuất ra được những nén nhang sinh học đầu tiên.
Vào năm 2017, đánh dấu cột mốc mới cho chị Đào khi dự án nhang sinh học đạt giải khuyến khích cấp quốc gia về cuộc thi khởi nghiệp của năm.
Nhờ vào giải thưởng ấy, chị Song Đào nhận được nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm nhang sinh học cung cấp ra thị trường.
Theo chị Song Đào, khó khăn nhất là: “Biến ý tưởng trong đầu của mình trở thành sản phẩm thực tế cung cấp ra thị trường. Bản chất cây quao không có tinh dầu, khó cháy nên mình phải tìm cách trộn thêm các vị thuốc bắc vào để tạo mùi thơm. Vào thời điểm đó, máy móc thì không có, mình phải đem nguyên liệu đến các cơ sở làm nhang cách nhà hơn 40 cây số để nhờ họ sản xuất giúp”.
Nhớ về lần đầu tiên đưa nhang ra thị trường, chị Đào kể: “Mình nhớ lần đó giáp tết. Lúc đó có một khách hàng đã đặt nhang, mình mừng lắm. Sau khi đi dạy về, mình chất hàng lên xe giao cho khách liền. Nhưng khi đến nơi thì khách không nhận hàng với lý do là đến tết rồi. Mình hụt hẫng lắm, đành chở nhang về".
Lúc đó, chị chợt nghĩ hay là bỏ cuộc. "Nhưng khi thấy những cô, chú khuyết tật vẫn chăm chỉ đẩy xe đi bán vé số, mình thấy vất vả của mình chẳng đáng là gì, lại vực dậy tinh thần, quyết tâm làm tiếp", chị Đào nhớ lại.
Với đặc tính dễ cháy, lượng khói hầu như không có và độ cháy kéo dài từ 80 - 90 phút không tắt nên sản phẩm nhang sinh học của chị Đào bắt đầu hút hàng, dần được thị trường tin dùng.
Nhờ đó, chị Đào mạnh dạn mở rộng xưởng sản xuất, phân phối sản phẩm khắp cả nước trải dài từ Bắc đến Nam và xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Mỹ với sản lượng 2 tấn/tháng.
Giúp phụ nữ nghèo có thu nhập
Không chỉ sản xuất loại nhang an toàn khi thắp, đuổi muỗi, chị Đào còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhất là chị em phụ nữ nông thôn không có thu nhập ổn định.
“Mình thấy các chị, bà tuổi từ 50 - 80 tuổi vẫn có thể lao động được nhưng chưa có công việc phù hợp với họ nên mình muốn mở rộng sản xuất để có thêm tạo thêm việc làm giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống”, chị Đào chia sẻ.
Ngoài ra, chị Đào cũng thuê 50 hộ gia đình nghèo trồng cây quao và bao tiêu đầu ra nhằm giúp họ cải thiện kinh tế đồng thời tạo ra vùng nguyên liệu sẵn có.
Trao đổi với chúng tôi, Bà Trương Thị Lan (82 tuổi) chia sẻ: “ Công việc của cô là đem nhang ra phơi và đóng gói sản phẩm. Công việc nhẹ nhàng không có mệt mỏi gì hết. Bình thường thì cô được trả 50 - 60 ngàn đồng/ngày, còn khi hàng nhiều thì 80 - 100 ngàn đồng/ngày, số tiền công này cũng giúp cô đi chợ mua đồ ăn trang trải cuộc sống”.
Ngoài ra bà Lan còn cho biết từ ngày làm ở đây thấy khỏe ra và thoải mái. Nhờ cơ sở sản xuất của chị Song Đào mà 10 phụ nữ nghèo làm trực tiếp tại xưởng và 50 hộ nghèo trồng nguyên liệu có nguồn thu nhập ổn định.
Theo kế hoạch ban đầu trong năm 2020, chị Đào sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho nhiều phụ nữ tại huyện Mỏ Cày Nam.
Nhưng do dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản phẩm không thể xuất ra nước ngoài nên hiện tại chị Đào chưa thể mở rộng cơ sở sản xuất.
Hướng phát triển trong tương lai của cô giáo này là mở rộng thị trường, đa dạng thêm sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con tại địa phương.
Đặc biệt là việc thay đổi thói quen sử dụng các loại nhang hóa học của người tiêu dùng thay bằng các sản phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe của người dân.