Cô gái nghẹn đắng nuốt ly cà phê 65.000 đồng vì "không dám sống nghèo"

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau tô phở khô 99.000 đồng, đồng nghiệp cũ lại lật menu (thực đơn) hò nhau gọi thêm cà phê 65.000 đồng. Miên tiếc tiền nhưng vẫn ngậm đắng gật đầu.

"Đừng nói không dám uống ly cà phê nha"

Trưa giữa tuần, Miên, 29 tuổi, ở TPHCM có hẹn với 3 đồng nghiệp cũ ăn trưa tại một quán cà phê có bán đồ ăn ngay khu vực hồ Con Rùa.

Cả bốn người cùng gọi món phở khô, giá 99.000 đồng/tô, để "share (chia) cho dễ". Quán có kèm trà đá miễn phí cho khách, hết lại được tiếp thêm.

Buổi gặp chỉ diễn ra trong hơn 1 tiếng giờ nghỉ trưa. Khi gần cuối buổi, một người trong nhóm cầm menu (thực đơn), thế là hò nhau kêu thêm ly cà phê 65.000 đồng. 

Cô gái nghẹn đắng nuốt ly cà phê 65.000 đồng vì không dám sống nghèo - 1

Không có ý định gọi thêm ly cà phê 65.000 đồng nhưng Miên "không dám sống nghèo" (Ảnh minh họa: AI).

Miên xót tiền, lại thấy không cần thiết phải uống vào lúc này. Cô lưỡng lự, lần lữa thì nhóm chị em ngồi cạnh không ngừng thúc ép: "Gọi đi, đừng nói bà không dám uống ly cà phê nha", "Ê, mày không tiêu tiền thật hả Miên?", "Gọi đi, không sau mày chết tụi tao cúng ly cà phê đó"...

Bị "kích động", Miên cố cười tự nhiên, gọi một ly mà trong lòng quặn thắt vì bữa trưa với tổng chi phí hết gần 170.000 đồng, chưa kể thêm 10.000 đồng tiền gửi xe. Nữ nhân viên nuốt ly cà phê sữa đắng nghẹn…

Miên cho hay, đó chỉ là một trong vô vàn tình huống cô bị cuốn theo vòng xoáy chi tiêu quá khả năng chốn công sở.

Mới đây, phòng cô rủ nhau đi xem phim. Mọi người đến rạp xịn nhất, đến nơi còn gọi bỏng ngô nước uống hàng trăm nghìn đồng. Một buổi xem phim như vậy, mỗi người hết bay… 300.000 đồng.

Lần khác, nhóm rủ nhau đi ăn lẩu Hồng Kông, một vé hơn 500.000 đồng, chưa kể những món phát sinh. Đi ăn về, cô lại tự dằn vặt trách mình không đủ bản lĩnh nói không.

Nhiều cuộc vui quá khả năng và nhu cầu của Miên, nhưng cô ngại từ chối hoặc không từ chối nổi. Cũng có vài ba lần cô lấy cớ bận hoặc ốm đau để "trốn".

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 được iPOS công bố vào ngày 27/3 gây bất ngờ về thói quen tiêu dùng của người Việt, bất chấp một năm kinh tế khó khăn.

Dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng khảo sát chỉ ra, có gần 60% người được hỏi cho hay sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho một lần "đi cà phê". Con số phổ biến nhất cho một lần "đi cà phê" là 41.000- 71.000 đồng, chiếm khoảng 45% tổng số người trả lời.

"Đi cà phê" ở phân khúc cao cấp (từ 70.000 đồng trở lên), tỷ lệ khoảng 14%.

Cô gái nghẹn đắng nuốt ly cà phê 65.000 đồng vì không dám sống nghèo - 2

60% người Việt được hỏi chi từ 41.000 đồng trở lên cho một lần "đi cà phê", (Ảnh: Hoài Nam).

43% lựa chọn thỉnh thoảng "đi cà phê", khoảng 1-2 lần/tháng. Tỷ lệ người "đi cà phê" bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao, từ mức gần 23% của năm 2022 lên hơn 30% người trả lời.

Con số được chỉ ra từ khảo sát ngẫu nhiên với gần 3.800 người tại 63 tỉnh thành, tập trung ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Báo cáo thể hiện thực tế, người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Có hơn 17% thực khách ra ngoài ăn hàng ngày. Trong khi đó, 29% người khác thừa nhận ra ngoài ăn 3-4 lần/tuần (năm 2022 là khoảng 18%).

Người chưa có gia đình sẽ có tần suất ăn ngoài cao hơn. Theo đó, nhóm độc thân và đang hẹn hò có tần suất ăn hàng ngày bên ngoài lần lượt là gần 18% và 19%. Đối với nhóm thực khách đã kết hôn, con số này thấp hơn, ở mức gần 14%.

Người nghèo không dám... sống nghèo

Nói về việc chi tiền cho cà phê, ăn uống, Miên khẳng định nhu cầu cà phê, ăn uống để trao đổi, gặp gỡ, tám chuyện rất lớn với dân công sở. cô thừa nhận bản thân khó kìm hãm, lại thích thể hiện.

Nhưng bên cạnh đó, việc chi tiêu theo Miên, còn bị "thúc đẩy" bởi các yếu tố về môi trường, con người xung quanh.

Cô nói: "Nếu tuổi mới lớn bị áp lực đồng trang lứa thì tuổi đi làm cũng chịu áp lực từ đồng nghiệp, từ cách chi tiêu, mua sắm, ăn uống. Cái dở của tôi là "không dám sống nghèo" đúng với điều kiện của mình".

Miên làm nhân viên văn phòng, tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Với cách chi tiêu ăn uống, mua sắm quá tay, cô thường rơi vào cảnh giữa tháng là hết tiền. Không có tiền tích lũy, nhiều khi cô phải vay mượn để tiêu xài cá nhân. 

Ly cà phê, chiếc vé xem phim, bữa ăn lẩu... đến hàng loạt các khoản chi tiêu bất đắc dĩ khác của Miên phần nào phản ánh một thực tế tiêu dùng quá tay của nhiều người, đặc biệt trong giới công sở.

Ở đó, nhiều người nhìn vào người khác để chọn từ điện thoại, bộ quần áo, đôi giày cho đến phần cơm, ly nước. Không ít người như Miên, không dám sống là chính mình, không dám sống đúng với điều kiện của mình.

Chẳng phải tự nhiên mà dân công sở hay được ví "ngoài long lanh, sang chảnh, trong túng thiếu đủ bề". Nhiều nhân viên công sở có mức thu nhập thua công nhân nhưng diện mạo bề ngoài đến chi tiêu thường chẳng khác nào "nhà không có gì ngoài điều kiện".

Phía sau đó, không ít người trượt dài trong cảnh vay mượn, quỵt nợ, thậm chí đã có hàng loạt vụ việc dân công sở trộm cắp tài sản của đồng nghiệp, công ty với mục đích để có tiền… tiêu xài.

Cô gái nghẹn đắng nuốt ly cà phê 65.000 đồng vì không dám sống nghèo - 3

Nhu cầu cà phê của dân công sở có khi xuất phát từ áp lực... đồng nghiệp (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Trong cuốn sách "Tinh thần tự lực", nói về sự hoang phí, chi tiêu quá tay, tác giả Samuel Smiles (nhà cải cách chính trị, văn hóa người Anh) cho rằng, có nhiều người tuy được hưởng điều kiện để nhàn hạ và độc lập lại thường thấy mình chỉ một ngày thôi là rơi vào cảnh thiếu thốn khi có chuyện cấp bách. 

Ông khái quát, "có thứ tham vọng chán ngấy" rất phổ biến là trở thành thượng lưu. Nhiều người lo giữ gìn hình ảnh bề ngoài thường tới mức hy sinh cả sự trung thực, tuy không giàu vẫn phải làm ra vẻ ta giàu. 

Nhà cải cách này cảnh báo về việc nhiều người không dám sống nghèo, không dám thể hiện mình nghèo. 

Hay nhiều chuyên gia, nhà giáo dục ở Việt Nam cũng trăn trở khi nói về thực trạng người Việt chưa giàu đã mất động lực, chưa giàu đã hoang phí, đua đòi.