1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cô gái bé nhỏ và mơ ước làm trà tử tế

(Dân trí) - Nhìn Dương Anh có vẻ gầy gò và bé nhỏ, có lẽ cô chỉ nặng hơn 40kg một chút, nhưng ít người biết rằng, cô đã và đang thực hiện một mơ ước vô cùng lớn: Muốn thay đổi thói quen canh tác cây trà của người Thái Nguyên, biến Thái Nguyên thành vùng trà sạch.

Duyên nợ với trà

Vừa rót chén trà mời tôi, Dương Anh vừa kể chuyện: “Em sinh ra ở Đại Từ, Thái Nguyên. Không biết cây trà đến ở quê em từ khi nào, nhưng từ khi còn bé, em đã thấy ba mẹ em làm trà. Mỗi lần ba mẹ em đi vào rừng Tổng Tần để nhặt hạt trà rừng về trồng thì đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về”.

Dương Anh - cô gái bé nhỏ với ước mơ biến vùng trà Thái Nguyên thành vùng trà sạch 100%.
Dương Anh - cô gái bé nhỏ với ước mơ biến vùng trà Thái Nguyên thành vùng trà sạch 100%.

“Em lúc ấy còn nhỏ, không có người trông nhà, thế là ba mẹ ra quy định mỗi ngày phải bóc được vỏ một đấu hạt trà. Cứ khi nào bóc xong mới được đi chơi. Mà sức trẻ con, để bóc được một đấu thì phải mất cả ngày, không đi đâu chơi được”.

“Hạt cây trà rừng bóc vỏ rồi thì gieo trồng để lên tự nhiên, cứ đến khi nào cây lụi đi thì thôi, lại trồng cây mới”.

Cứ như vậy, đời người trồng trà vô cùng vất vả. Có lẽ vì thế, cả bốn anh em của Dương Anh đều mỗi người một nghề nhưng chẳng nghề nào liên quan đến cây trà cả.

Học xong cấp ba, cô thi đỗ và đi học trường Cao đẳng Văn thư và Lưu trữ. Đến lúc tốt nghiệp, đi làm quản lý nhân sự cho một công ty thức ăn gia súc và một công ty xây dựng.

Một búp trà sâu bệnh. Như cách làm cũ, người ta sẽ phun thuốc trừ sâu lên những búp trà như thế này.
Một búp trà sâu bệnh. Như cách làm cũ, người ta sẽ phun thuốc trừ sâu lên những búp trà như thế này.

Thế nhưng, như một sự sắp đặt sẵn của số phận, Dương Anh đã gặp Nguyễn Việt Bắc – một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về cây trà Việt.

Thế là Dương Anh bỏ việc ngay khi công việc đang làm rất tốt. Cô về nhà và xin ba mẹ được thử nghiệm cách làm trà mới: Hoàn toàn không dùng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Dương Anh cười: “Ba em thì phản đối lắm, vì cả đời ông làm trà theo kiểu cũ thấy vẫn được. Em chỉ có mẹ ủng hộ. Không phải vì mẹ em có hiểu biết gì mà do mẹ thương con gái út nên ủng hộ tuyệt đối”.

Vậy là gia đình dành cho Dương Anh gần 3000 mét vuông đất đồi để Dương Anh “muốn làm gì với cây trà thì làm”.

Mong mỏi làm trà sạch

Hồi tháng 6/2015, lúc ấy cây trà ở huyện Đại Từ bị cháy và táp lá nhiều. Như thông lệ, người ta sẽ chặt bỏ nhưng Dương Anh thì không.

Theo sự hướng dẫn của chuyên gia trà Nguyễn Việt Bắc, cô đã để cây trà phục hồi hoàn toàn tự nhiên. Từng lá sâu ở từng cây trà được vặt bỏ bằng tay, sau đó mang đi đốt ở khu vực không có cây trà. Sau đó, dùng rơm, các cây họ đậu rải lên 100% các gốc cây trà để tạo mùn và dinh dưỡng cho đất. Vôi bột sau khi ủ tơi được rắc đều lên đất và gốc cây trà đẻ diệt nấm, diệt mầm bệnh trong đất…

Cứ như vậy, bằng lao động chăm chỉ, mỗi ngày một chút mồ hôi đổ xuống đồi chè của Dương Anh là một ngày ba mẹ của cô lại thấy tin tưởng hơn vào việc cô đang làm hơn.

Từ những búp trà sâu bệnh như thế này...
Từ những búp trà sâu bệnh như thế này...

Dương Anh cho biết, nhờ thầy Bắc, đến giờ cô đã có một chút kinh nghiệm với cây trà, nhìn màu lá cây có thể biết được sức sống của cây. Việc bổ sung các chất mà cây trà đang thiếu cũng là các thành phần trong tự nhiên.

Ví dụ như cây thiếu Kali thì bón bằng tro bếp, hoàn toàn không phải dùng đến phân bón hóa học. Trước đây, lá cây trà hay bị bệnh muội đen làm xoăn búp, bình thường sẽ dùng thuốc sâu để phun, thì nay chỉ cần dùng nước vôi trong phun lên lá cũng giúp cây hết bệnh…

...Dương Anh đã áp dụng những biện pháp hoàn toàn tự nhiên để ra những búp trà khỏe mạnh, không có sâu bệnh.
...Dương Anh đã áp dụng những biện pháp hoàn toàn tự nhiên để ra những búp trà khỏe mạnh, không có sâu bệnh.

Dương Anh cho biết, đến bây giờ thì những cây trà của Dương Anh đã phát triển rất tốt. Sức lao động đổ vào cây trà hiện nay chỉ còn khoảng 30% so vơi trước, không phải dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, sau bệnh rất ít. Những cây trà được gia tăng giá trị khi có tỉ lệ búp trà nhiều hơn, lá trà dầy và bóng hơn, khỏe hơn, cho chất lượng tốt hơn trước.

Sau vài năm vừa học, vừa làm, đến giờ ngoài đồi trà theo tiêu chuẩn 100% tự nhiên, Dương Anh cũng đã “giắt lưng” được công thức làm vài loại trà của riêng mình như bancha Mộc Thanh hay Hồng trà chuyên dùng để ướp trà cúc…

Dương Anh uống trà bên người thầy của mình.
Dương Anh uống trà bên người thầy của mình.

Dương Anh rất phấn khởi khi nói về loại bancha tự tay cô làm. Cô nói: “Thường thì lá trà già giá trị kinh tế rất thấp, người ra hay bỏ đi, nhưng em dùng lá trà già làm thành loại bancha này, vừa không lãng phí, vừa tốt cho sức khỏe”. Mùa trà này cô làm được khoảng 40kg bancha sạch, bán với giá 1 triệu đồng/kg và đã được đặt hàng gần hết ngay từ khi chưa làm xong.

Dương Anh tâm sự: “Hiện nay tư duy trồng trà kiểu cũ, đã sâu là phải phun thuốc, thật ra rất hại đất, hại cây trà. Em may mắn gặp được những người làm trà tử tế, em chỉ muốn những người làm trà quê em cũng nhìn thấy những điều em làm được để làm theo anh ạ”. Tôi tin Dương Anh sẽ thành công từ chính quê hương mình. Vì nói như anh Nguyễn Việt Bắc: "Cây trà sẽ đãi những người làm nghề tử tế"

Hoàng Lan