1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cô, dì, chú, bác không học hành vẫn làm... bất động sản "ngon lành"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Cô dì chú bác nhà em không học hành vì vẫn làm bất động sản. Có phải làm ngành này thì chỉ cần biết sơ sơ, không cần học hành?"...

Đó là vấn đề được học sinh trường THPT Gia Định, TPHCM đặt ra tại buổi khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh do Tạp chí Giáo dục TPHCM tổ chức sáng 9/1. 

Cô, dì, chú, bác không học hành vẫn làm... bất động sản ngon lành - 1

Học sinh đặt ra thắc mắc "có phải làm bất động sản thì không cần học hành qua trường lớp?" (Ảnh: H.N).

Em học sinh này cho biết, rất nhiều người quen của gia mình như cô, dì, chú, bác không hề qua trường lớp, không học hành nhưng vẫn làm bất động sản rất "ngon lành". Có người còn bỏ ngang nghề có chuyên môn của mình để theo nghề bất động sản. 

Từ thực tế này, nam sinh 18 tuổi đặt câu hỏi: "Phải chăng học bất động sản thì chỉ cần nắm sơ sơ thông tin, không cần đào tạo qua trường lớp là có thể đi... kiếm tiền?". 

Băn khoăn của nam sinh này không phải không có cơ sở. Trên thị trường lao động, không ít người không xin được việc làm, thất nghiệp nên đi môi giới bán đất, bán nhà. Hay người làm ở ngành nghề khác vẫn "vắt vẻo" sang làm bất động sản mà không cần qua trường lớp, đào tạo. Nghề bất động sản ở Việt Nam còn được hiểu một cách dân dã là "cò đất", làm ăn theo kiểu chụp giật...

Theo ý kiến của chuyên gia tư vấn tuyển sinh trường đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM, hơn 80% học sinh cho rằng học ngành bất động sản ra là chỉ để đi bán đất, bán nhà... là cách hiểu không đúng. Thực chất, bán đất chỉ là một phần công việc trong ngành bất động sản. Lĩnh vực này còn rất nhiều mảng chuyên ngành như đầu tư và phát triển bất động sản, kinh doanh và dịch vụ bất động sản...

Cô, dì, chú, bác không học hành vẫn làm... bất động sản ngon lành - 2

Nhiều bạn trẻ hiểu chưa đúng về công việc trong tương lai (Ảnh: H.N).

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam nêu quan điểm, nghĩ đơn giản thì có thể học sơ sơ ngành bất động sản cũng như có thể học sơ sơ bất cứ ngành nào rồi cứ vậy ra trường đi làm.

"Thế hệ của tôi nhiều người không học vẫn làm việc, vẫn rất giàu có. Mặt khác, hiện có nhiều sinh viên học đại học nhưng ra trường không đi làm mà chạy grab, ngày kiếm 500.000 đồng. Tôi nói vậy để các em biết chúng ta có quyền lựa chọn công việc và cuộc đời của mình", ông Tuấn nói. 

Ở thị trường tương lai, người không học nghề, ông Trần Anh Tuấn cho rằng vẫn có thể tồn tại theo nhiều cách như sống dựa vào vợ/chồng, sống tạm bợ qua ngày... Tuy nhiên, thế hệ trẻ không thể bàn đến việc học sơ sơ, làm sơ sơ mà phải tích hợp kỹ năng, ngoại ngữ, công nghệ kỹ thuật... 

Các em phải nhìn vào thị trường lao động trong tương lai. Đó là thời kỳ của thị trường hội nhập quốc tế, thị trường của cuộc cách mạng 4.0 và là thời kỳ của năng lực, nghề nghiệp chất lượng cao. Sự cạnh tranh nhân lực đang thay đổi theo hướng chuyển đổi số. Cơ cấu ngành nghề đang chuyển đổi rất mạnh mẽ, những nghề nghiệp không có năng lực sẽ bị triệt tiêu. 

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, không có nghề nào "ngồi mát ăn bát vàng", không có nghề nào là "ông nội" của thiên hạ. Bởi vậy, quan trọng nhất là học sinh cần chọn thật kỹ ngành nghề phù hợp và học hành nghiêm túc. 

Theo nhiều báo cáo, nhu cầu nhân sự cho lĩnh vực bất động sản hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao. Nhu cầu tuyển dụng ngành này giai đoạn 2016 - 2020 bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm. 

Cô, dì, chú, bác không học hành vẫn làm... bất động sản ngon lành - 3

Nhân viên bất động sản phát tờ rơi dự án (Ảnh: H.N).

Nhu cầu nhân lực bất động sản cao nhưng đào tạo lâu nay bỏ trống lĩnh vực này dẫn đến thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn nên không ít doanh nghiệp dễ dãi trong tuyển dụng đầu vào, cứ ai "muốn" và "máu" là có thể làm bất động sản. Nhiều vị trí nhân lực ở lĩnh vực bất động sản các doanh nghiệp buộc phải tuyển người nước ngoài. 

Nắm bắt nhu cầu xã hội, gần đây, tại TPHCM hàng loạt trường đã đưa ngành bất động sản vào đào tạo như trường đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM, đại học Văn Lang, đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, đại học Kinh tế TPHCM, đại học Gia Định...