Thấy gì qua gần 30 % học sinh không có nguyện vọng vào đại học?

Phạm Công

(Dân trí) - Trong số 895.000 học sinh dự thi thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có gần 30 % không có nguyện vọng vào đại học. Đây là điều đáng suy ngẫm với những bạn trẻ đang lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Chọn lựa thực tế hơn

Là một trong số gần 30 % bạn trẻ không có nguyện vọng vào đại học nêu trên, bạn Nguyễn Quang Hiệu - học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phú Xuyên, Hà Nội) - cho biết lý do: “Em tự xét thấy năng lực của mình không đủ khả năng đỗ vào đại học. Nên thi xong tốt nghiệp lớp 12, em sẽ đăng ký đi học nghề cơ khí”.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tỷ lệ trên cũng cho thấy thực tế nhận thức của học sinh đang dần được thay đổi. Do có nhiều thông tin hơn về nhu cầu nguồn nhân lực ở địa phương, hay những thông tin có tính cơ sở thực tiễn về nhu cầu ngành nghề lao động trong tương lai.

Thấy gì qua gần 30 % học sinh không có nguyện vọng vào đại học? - 1

Không chỉ là học sinh lớp 12, nhiều bạn trẻ từng tham gia học đại học cũng dám chấp nhận “làm lại” để có lựa chọn đúng đắn hơn.

Bạn Vũ Thái Hoàng từng là sinh viên của khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên). Sau khi học được 1 năm, Hoàng dừng chương trình học để tìm đến với trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, thực hiện mơ trở thành chuyên gia về sửa chữa ô tô.

“Lúc đầu em nghĩ kỹ việc chọn học ngành kinh tế dễ xin việc. Nhưng sau thời gian học, em nhận thấy ngành ô tô sẽ rất phát triển trong tương lai. Em quyết định theo học để theo đúng ngành mình yêu thích, tuy phải bỏ phí 1 năm học Quản trị kinh doanh” - Hoàng chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân trí, mẹ của Hoàng bà Nguyễn Hoa Lan cho biết: “Nghe tin con từ bỏ một trường học mà nhiều bạn mơ ước. Tôi suy nghĩ rất nhiều, Nhưng thấy sự quyết tâm của con, tôi cũng ủng hộ vì cháu đã suy nghĩ kỹ trước khi quyết định”.

Hướng tới hiệu quả

Trước thực trạng đó, các trường đào tạo nghề đang là điểm đến của nhiều bạn trẻ.

Ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết “Tỉ lệ sinh viên theo học tại trường tăng mạnh theo từng năm, đối với năm 2018 là 680 sinh viên, đến năm 2019 tăng lên 887 đạt trên 30%”.

Cũng theo ông Truyền số lượng sinh viên hệ cao đẳng tốt nghiệp tại trường 100% có việc làm ngay, đối với hệ trung cấp tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường chiếm 75%, 25% còn lại thuộc nhóm sinh viên tiếp tục thực hiện chương trình học liên thông lên cao đẳng.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Nguồn cầu về nhân lực đã khiến số lượng sinh viên theo học tăng nhanh theo từng năm.

Giải thích thêm về điều này, ông Hồ Viết Hà - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng thừa nhận, những năm gần đây học sinh và phụ huynh học sinh dần thay đổi tư duy về việc học nghề, nhiều em có học lực rất tốt nhưng không đăng ký thi đại học mà nộp hồ sơ vào trường để học nghề.

“Cơ hội việc làm khi các em có tay nghề ngày càng rộng mở hơn, cùng với đó các trường đào tạo nghề cũng thay đổi phương thức đào tạo như đi sát với thực tiễn hay xây dựng cầu nối vững chắc cho các em đến với doanh nghiệp…” - ông Hồ Viết Hà nói.

Thống kê của trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, 100% sinh viên ra trường có việc ngay, nhiều em sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường đã được các doanh nghiệp tuyển dụng qua quá trình các em thực tế tại doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý sinh viên có việc làm đúng với ngành nghề đã theo học chiếm tới 95,6%. Theo khảo sát của trường, sinh viên ra trường thường có mức lương khởi điểm từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

“Một số ngành nghề đang có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta như là công nghệ ô tô, cơ khí, điện lạnh, điện tử đang thu hút rất nhiều sinh viên theo học và có những cơ hội việc làm rộng mở. Tính tới thời điểm này trường trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đã nhận được hơn 1000 hồ sơ đăng ký xét duyệt vào trường đây là con số rất đáng chú ý trong nhiều năm qua” - ông Hà cho biết thêm.

"Trước đây, quan điểm của nhiều phụ huynh cho rằng, việc học đại học sẽ giúp dễ kiếm một công việc nhàn hạ cùng với đó là mức lương lý tưởng. Điều này vô tình áp đặt học sinh vào một khuôn mẫu tạo ra áp lực không hề nhỏ cho học sinh..." - ông Nguyễn Công Truyền nhận xét.