1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cơ cấu tiền lương đang... “méo mó”

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cải cách tiền lương phải bắt đầu từ cải cách bộ máy, đây là thách thức rất lớn từ việc thay đổi tư duy về đổi mới, đến nhận thức của Nhà nước và thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế với sự phát triển của cách mạng 4.0, cải cách còn phải có tính liên thông và đảm bảo tiến trình hội nhập.

Theo đó, cải cách tiền lương cần phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động cả trực tiếp và gián tiếp để bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa trong toàn bộ nền kinh tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần chỉ rõ những điểm còn bất hợp lý trong chính sách tiền lương trong các lĩnh vực, tại sao khó áp dụng nguyên tắc thị trường trong cải cách tiền lương ở một số lĩnh vực?...

Chế biến cá tra xuất khẩu tại công ty Thủy sàn Hùng Vương.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại công ty Thủy sàn Hùng Vương.

Lương thị trường không theo thị trường

Trao đổi với DĐDN, ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, lương tối thiểu được quy định cho bậc đầu tiên, tuy nhiên lại có thêm Nghị định hướng dẫn xây dựng thang bảng lương, mỗi bậc cách nhau 5%.

Do đó, tăng lương tối thiểu ở Việt Nam không phải giống như cách hiểu thông thường là mức sàn để không ai nhận thấp hơn mức đó, mà khi điều chỉnh lương tối thiểu lên 6-7% là cả bảng lương của doanh nghiệp dịch chuyển, tức lương tất cả lao động trong doanh nghiệp thay đổi.

“Với kết cấu giá thành ngành dệt may, ngoài vấn đề nguyên liệu, thì trong 31 tỷ USD xuất khẩu, chi phí tiền lương chiếm đến hơn 5 tỷ USD, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu là tiền lương và 3% là BHXH. Như vậy, khi chi phí tiền lương tăng thêm 7-8% thì giá thành đội lên 3%”, ông Trường cho biết.

Trong khi đó, năm 2018 tới đây nhập khẩu hàng hoá ngành dệt may được dự báo tăng về lượng nhưng giảm 2% về giá trị. Như vậy xu thế của thế giới sẽ là giảm giá thành, nhưng chỉ với riêng kết cấu giá thành ảnh hưởng từ tiền lương thôi thì sản phẩm của Việt Nam đã tăng. Theo ông Trường: “Lương tối thiểu đang không làm đúng chức năng và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp ngành dệt may, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế mở rộng quy mô sản xuất”.

Từ ngày 1/1/2018, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp ngành dệt may, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XNK Thuỷ sản (Vasep) cũng cho biết, vấn đề lao động đang là vấn đề nhức nhối, bởi ngành này hiện đang xuất khẩu sang 150 thị trường, doanh nghiệp phải đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội để đảm bảo hợp tác với các thị trường lớn.

“Thuỷ sản là ngành cơ giới hoá hết cỡ vẫn phải sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong ngành lại chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, tận dụng từ những vùng không thể sản xuất nông sản khác được. Do đó, lao động làm việc đơn giản, trong khi tỉ lệ tăng lương tối thiểu đang cao hơn rất nhiều với tăng năng suất và bỏ xa các chỉ số phát triển GDP, lạm phát... Điều này khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn”, ông Nam nói.

Xoá bỏ lực cản từ bộ máy

Như vậy, trong khi cơ cấu tiền lương của khu vực tư đang được doanh nghiệp phản hồi là “đè nặng” chi phí lên doanh nghiệp, thì cơ cấu tiền lương trong khu vực công lại đang ở mức thấp. Theo nghiên cứu của VCCI, từ năm 2011-2017 lương khu vực hành chính nhà nước chỉ tăng từ 0,8-0,95%, tương đương vài chục nghìn đồng, mà ba năm mới lên một bậc lương. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp lại điều chỉnh tăng đều hàng năm trong vòng 5 năm từ 2013-2017, tốc độ tăng trung bình là 13,28%/năm. Theo VCCI, gánh nặng về tiền lương đang làm nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN gặp khó khăn trong phát sinh chi phí lao động.

Nói như TS. Phạm Minh Huân- Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Khả năng tồn tại của họ đang hết sức khó khăn khi thời điểm 1/1/2018 đang đến gần, khi đó điều chính lương tối thiểu và chính sách BHXH”.

Khu vực sản xuất thì chi phí tiền lương là chi phí đầu vào, tức là phân phối lần đầu, trong khi đó khu vực công là phân phối lại và phụ thuộc hoàn toàn từ khu vực sản xuất. “Ở các nước doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách, xu hướng chúng ta phải hướng tới việc đưa lương khu vực công và tư gần nhau, bởi Việt Nam đang có cơ cấu tiền lương “méo mó” khu vực công đang rất thấp, thậm chí không đủ sống, cần có sự điều chỉnh mới mong giảm thiểu được các vấn đề tiêu cực, tham nhũng và phiền nhiễu”, ông Huân nói.

Do đó, ông Huân kiến nghị, Chính phủ cần tạo “luật chơi” cho việc đàm phán lương khu vực doanh nghiêp. Đồng thời, tạo sàn lương tối thiểu hài hoà, bởi nhiều doanh nghiệp đang mắc lương thâm niên, có doanh nghiệp có đến 30 bậc thâm niên, 5% mỗi bậc khiến chi phí lao động của doanh nghiệp là rất lớn. “Miếng bánh” này nếu động chạm thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy Việt Nam bớt thu hút.

Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bằng cách cung cấp thông tin thị trường. “Đây là vấn đề Chính phủ đang yếu. Hỗ trợ phải cung cấp thông tin thị trường, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành các nghiên cứu này nhưng còn thiếu” - ông Huấn kiến nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng khẳng định, nhu cầu cải cách tiền lương của Việt Nam đã chín muồi, vừa là áp lực vừa là động lực với chúng ta. Đồng thời, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách bộ máy. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định cải cách tiền lương sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp