1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chuyến xuất ngoại đi làm "chui" nhớ đời của... cặp vợ chồng U50

Hoàng Lam

(Dân trí) - Qua 4 tháng làm việc quần quật, bà Dung chỉ được ứng 1.000 nhân dân tệ. Sau một lần bạo gan hỏi tiền lương thì cả 4 lao động "chui" bị cảnh sát sở tại "đột kích" bắt giam.

Chuyến xuất ngoại đi làm chui nhớ đời của... cặp vợ chồng U50 - 1

Bà Vy Thị Dung (ngoài cùng bên phải) tới dự phiên tòa xét xử bị cáo Xên Thị Nhung. Bị cáo Nhung bị truy tố về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" (Ảnh: Hoàng Lam).

Hấp dẫn bởi mức thu nhập

Hôm 22/3, Bà Vy Thị Dung (SN 1969, trú Tam Đình, Tương Dương, Nghệ An) bắt xe khách từ sáng để về TP Vinh để dự phiên tòa xét xử Xên Thị Nhung (SN 1964, trú xã Tam Đình). Bị cáo Nhung bị truy tố xét xử về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", vợ chồng bà Dung là người được đưa đi.

Theo diễn biến vụ án, năm 2015, "phong trào" đi Trung Quốc làm thuê rộ lên ở nhiều nơi, trong đó có huyện Tương Dương. Thời điểm đó, người đi làm việc ở Trung Quốc có thể kiếm được 7-9 triệu đồng/tháng. Đối với nhiều hộ dân miền núi như bà Dung, số tiền đó thật đáng mơ ước.

Ngặt nỗi, hai vợ chồng cũng đã có tuổi, lại không có chuyên môn trình độ gì nên muốn đi lắm cũng đành chịu. "Buồn ngủ lại gặp chiếu manh", đang khát khao "xuất ngoại" thì bà Dung gặp Xên Thị Nhung. Người phụ nữ này đã có thời gian đi Trung Quốc và mới trở về.

"Bà Nhung phân tích, vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống thì quá tuổi, chỉ có thể đi "chui". Đi sang đó làm công nhân xưởng sản xuất đồ nhựa, lương tháng từ 7-9 triệu đồng. Vì đi "chui" nên không cần giấy tờ gì cả, chỉ cần đóng tiền phí 6 triệu đồng, nộp trước 3 triệu đồng. Số còn lại trừ vào lương hàng tháng", bà Dung kể.

Nghe hấp dẫn, bà Dung bàn rủ chồng cùng đi. Vay mượn anh em được 6 triệu đồng, bà Dung đóng tạm ứng cho 2 suất cho Nhung. Vợ chồng bà Dung khấp khởi chờ đến ngày xuất ngoại.

Chuyến xuất ngoại đi làm chui nhớ đời của... cặp vợ chồng U50 - 2
Bà Dung kể lại quá trình vượt biên đi xuất khẩu chui ở Trung Quốc (Ảnh: Hoàng Lam).

Tháng 5/2015, vợ chồng bà Dung khăn gói theo Xên Thị Nhung đi Trung Quốc. Cùng chuyến đi có vợ chồng Lương Thị Tuyết, ở cùng xã. Ra đến Hà Nội, nhóm lao động này được một người đàn ông dẫn tiếp sang Trung Quốc.

Như thỏa thuận lúc đầu, cả 4 người được bố trí làm việc tại xưởng sản xuất dép nhựa của một ông chủ người Trung Quốc. Do đã có tuổi, năng suất không được như nhóm công nhân trẻ tuổi nên 4 người được trả lương 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Khi mới vào làm, bà Dung và những người khác được ứng trước 1.000 nhân dân tệ (quy đổi được gần 3 triệu đồng) gửi về nhà trả nợ.

"Công việc không nặng nhọc gì, ngày làm 8 tiếng, xong thì nghỉ, cơm nước đầy đủ. So với ở quê làm rẫy thì làm khỏe hơn, nhiều tiền hơn", bà Dung kể tiếp. Nhưng niềm vui của những người lao động "chui" nơi xứ người chẳng kéo dài được lâu.

Bị bắt vì nhập cảnh trái phép

"Tiền lương hàng tháng người môi giới nói để ông chủ giữ cho, khi nào được nhiều thì lấy luôn một thể. Ở đây nuôi ăn, nuôi ở, có cần tiêu gì đâu mà cầm tiền, nhỡ trộm cắp thì mất hết. Tôi nghĩ cũng phải nên không hỏi thêm", bà Dung ứa nước mắt nói.

Được 4 tháng, nhẩm tính số tiền lương của cả hai vợ chồng cũng được kha khá, bà Dung tính lấy gửi về nhà cho con.

"Tôi hỏi ông chủ thì họ bảo tiền đã trả hết rồi, còn đòi gì nữa. Tôi hoảng hốt, 4 tháng quần quật làm việc của hai vợ chồng, ngoài 1.000 nhân dân tệ đã ứng thì có được nhận được một xu nào nữa đâu. Người môi giới thì bảo ông chủ giữ hộ, ông chủ thì bảo đã trả rồi, không thiếu một xu, tôi biết hỏi ai?", bà Dung bật khóc.

Chưa kịp tìm người môi giới để "ba mặt một lời" thì cảnh sát ập vào xưởng sản xuất. Vợ chồng bà Dung với vợ chồng bà Tuyết bị bắt giam vì là lao động bất hợp pháp.

Sau 2 tháng 15 ngày bị giam giữ, 4 lao động Việt Nam được thả, bị trục xuất về nước qua đường hàng không. Về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) thì cả 4 người không còn một xu dính túi.

Chuyến xuất ngoại đi làm chui nhớ đời của... cặp vợ chồng U50 - 3
Bà Dung bật khóc khi kể về 4 tháng lao động quần quật chui ở xứ người nhưng bị ăn chặn tiền lương, còn bị cảnh sát bắt giam, lâm vào cảnh trắng tay (Ảnh: Hoàng Lam).

"Vay nợ để đi, làm việc 4 tháng, bị giam 2 tháng rưỡi, cuối cùng khi về đến quê nhà không còn một cắc bạc nào. Con phải gửi ra 1 triệu đồng để bố mẹ bắt xe về. Cứ mỗi lần nghĩ đến quãng thời gian này, uất ức và nước mắt cứ trào ra. Nhưng mà đi "chui", mình dại thì phải chịu và chẳng biết kêu ai", người phụ nữ khóc vì chuyến xuất ngoại không kiếm được tiền còn khiến ôm nợ.

Dù mất tiền, lâm vào cảnh bị giam cầm nhưng đứng trước tòa, bà Dung vẫn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Xên Thị Nhung.

"Chúng tôi đều người cùng quê, quen biết nhau cả. Không phải vì bị cáo Nhung muốn lừa chúng tôi đâu mà cũng vì cả tin người ta quá, nhận đưa đi để lấy tiền công 300 nghìn đồng/người. Tôi đã đến tận nhà, cũng không có của nả gì đâu, bản thân bà Nhung lại mang bệnh, nên xin tòa cho bị cáo bản án thật nhẹ", bà Dung khẩn khoản.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Xên Thị Nhung bị tuyên phạt 18 tháng tù giam.

Sau chuyến xuất ngoại để đời này, vợ chồng bà Dung không còn nuôi mộng ra nước ngoài làm việc nữa. Bà ở nhà làm nương rẫy, chồng đi làm thợ xây mãi tận miền Nam. Công việc có vất vả nhưng dẫu sao cũng ít rủi ro, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, tằn tiện cũng đủ sống.