Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:

Chuyện về nữ giám đốc hợp tác xã có "Trái tim hồng"

Phạm Công

(Dân trí) - Với nỗ lực bền bỉ giúp người khuyết tật có việc làm, chị Đinh Thị Quỳnh Nga (Hà Nội) đã được đề cử vào danh sách 400 cá nhân tiêu biểu dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Nỗ lực gắn kết người khuyết tật

Năm 1978, tai nạn bất ngờ ập đến khiến chân trái của chị Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977, trú ở Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) bị liệt. Dù vậy, suốt thời gian sau này đi học phổ thông, chị luôn có nhiều nỗ lực, vươn lên.

Sau khi tốt nghiệp Ngành Sư phạm mỹ thuật (Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), chị đã đi xin việc khắp nơi. Tại nhiều nơi, chị Đinh Thị Quỳnh Nga chỉ nhận được những cái lắc đầu khi biết sự đi lại khó khăn do khuyết tật. Không xin được việc, chị tạm chuyển sang nghề trang trí hoa đám cưới.

Chia sẻ của chị Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng.

Đến năm 2007, chị trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong đời để chị được sống và làm việc đúng với ngành nghề.

Sau 2 năm làm việc ở Trường, đầu năm 2009, chị Đinh Thị Quỳnh Nga quyết định thành lập nhóm "Trái tim hồng" để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là điều khó khăn nhất với chị. Khó khăn cứ ập đến, chị thất bại hết lần này đến lần khác.

"Qua công việc dạy học ở trường khuyết tật. Tôi rất xót xa khi chứng kiến các học sinh khi ra trường hầu hết không có công ăn, việc làm để có thể tự chủ cuộc sống" - chị Đinh Thị Quỳnh Nga chia sẻ.

Từ đó, chị nảy sinh ý định phải làm gì đó để các em tìm được công việc sau này.

Chuyện về nữ giám đốc hợp tác xã có Trái tim hồng - 1

Nhiều người khuyết tật đã tìm được niềm vui khi tham gia lao động tại Hợp tác xã trái tim hồng

Là một người bình thường lập nghiệp đã khó khăn, lại bị khuyết tật, không ít lần chị muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến những người khuyết tật có hoàn cảnh thiệt thòi, chị lại cố gắng nỗ lực vì mọi người.

Ý tưởng tốt đẹp cứ nung nấu và chờ cơ hội để trở thành hiện thực. Nhưng phải tới năm 2015, chị Đinh Thị Quỳnh Nga mới có cơ duyên thành lập nên Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng. Đây là nơi chuyên sản xuất và bán các mặt hàng như: Than sinh học, sản phẩm may mặc, nông sản, dịch vụ quán cà phê.

Tạo cơ hội để người khuyết tật tự khẳng định

Những ngày cuối tháng 11 này, khu xưởng sản xuất của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, nằm trên địa bàn xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) luôn nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng máy móc. Những bạn trẻ khuyết tật đang chăm chỉ làm việc, cố gắng để đáp lại sự tận tâm của người thầy, người chị đã giúp họ vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Chuyện về nữ giám đốc hợp tác xã có Trái tim hồng - 2

Để có được thành công ngày hôm nay, chị Nga không ngừng cố gắng và làm việc

Sau 5 năm đi vào hoạt động chính thức, đến nay, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đang tạo việc làm cho 38 công nhân, trong đó có 34 công nhân là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

"Ở đây, chúng tôi luôn rộng vòng tay chào đón mọi người đến học tập và làm việc. Người đến đây vì muốn học nghề. Cũng có không ít người đến đây để giao lưu kết bạn và được sống là chính mình" - chị Đinh Thị Quỳnh Nga nói.

Chuyện về nữ giám đốc hợp tác xã có Trái tim hồng - 3

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng kinh doanh và sản xuất nhiều mặt hàng như quần áo, than sinh học, nấm rơm,....

Theo chị, tình yêu thương của xã hội chính là nền tảng to lớn nhất giúp người khuyết tật vươn lên khẳng định bản thân. Mọi người đến với Hợp tác xã đều được khuyến khích phát huy nghị lực sống, khát khao được làm việc và cống hiến. 

"Tôi hy vọng các em rồi sẽ trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Mong rằng người khuyết tật sẽ có được nhiều hơn những cơ hội để khẳng định mình trong cuộc sống. Nhìn thấy người khuyết tật có thu nhập, tôi thấy được niềm vui và sự hạnh phúc của họ. Từ đó, tôi càng có thêm động lực để cố gắng hơn mỗi ngày" - chị Đinh Thị Quỳnh Nga tâm sự.

Chuyện về nữ giám đốc hợp tác xã có Trái tim hồng - 4

Mọi người đến đây không những có cơ hội được học nghề mà còn được tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định

Làm việc tại hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã 4 tháng, chị Vì Thị Liên quê ở Mai Châu, Hòa Bình, cho biết: "Tôi biết đến hợp tác xã qua mạng xã hội, rồi tìm đến xin học nghề may. Tuy ở đây chưa lâu, nhưng tôi cảm thấy mọi người như những người thân trong gia đình. Tôi đã tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ mọi người".

Được làm việc, giao lưu kết bạn và có thu nhập gửi về quê phụ giúp bố mẹ lúc tuổi già, chị Vì Thị Liên cảm thấy mình có ích hơn đối với gia đình và xã hội. Chị luôn tự hứa sẽ cố gắng để trưởng thành hơn mỗi ngày. 

Tôn vinh những cá nhân tiêu biểu vì cộng đồng

Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Đinh Thị Quỳnh Nga vinh dự  là 1 trong 50 cá nhân tiêu biểu được Bộ LĐ-TB&XH xét duyệt và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng tại lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" diễn ra tại Hà Nội ngày 27 và 28/11/2020.