Chuyển từ cơ quan nhà nước sang tư nhân, nghỉ hưu thế nào?

Ông Phan Hùng (Hải Dương) làm bác sỹ tại 1 Bệnh viện nhà nước, đóng BHXH được 11 năm 9 tháng, theo hệ số lương 2,67. Nay, ông Hùng muốn chuyển sang làm việc cho công ty tư nhân theo thỏa thuận. Ông Hùng hỏi, ông có được tính đóng bảo hiểm và nâng bậc lương theo quy định không? Chế độ về hưu sau này tính như thế nào?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm 1, Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Như vậy, thời gian ông làm việc 11 năm 9 tháng ông thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo quy định tại điểm 2, Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động”.

Như vậy tiền lương, tiền công tại thời gian làm việc ở Công ty tư nhân theo thỏa thuận thì tiền lương của ông do thỏa thuận giữa ông và Công ty tư nhân theo hợp đồng lao động, nếu ông có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì ông thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc trên nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương và các khoản phụ cấp lương, mức thấp nhất không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà thời điểm hiện tại áp dụng theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Việc nâng bậc lương của ông làm việc tại Công ty tư nhân theo đăng ký tiền lương, tiền công của Công ty đó với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương và do năng lực làm việc để trả lương cho ông phù hợp tiền lương công ty trả.

Lương hưu của ông được tính như sau: Theo quy định tại điểm 1, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian làm việc của ông theo tiền lương do Nhà nước quy định thì:

"a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian".

Thời gian làm việc theo tiền lương theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định t heo quy định tại điểm 1, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 thì:

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Như vậy, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nêu trên căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Chinhphu.vn