Ninh Bình:

Chuyện những người quanh năm "kiếm cơm" ở… bãi rác

Thái Bá

(Dân trí) - Ở bãi chứa rác thải lớn nhất tỉnh Ninh Bình rác chất cao thành núi, mùi hôi thối nồng nặc, chuột bọ, ruồi muỗi dày đặc. Thế nhưng, tại đây vẫn có những con người lầm lũi nhặt rác kiếm sống qua ngày.

Bãi chứa rác thải của toàn tỉnh Ninh Bình nằm sâu trong một thung lũng rộng lớn ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp. Khu tập kết, chôn lấp rác thải này nằm biệt lập với bên ngoài. Chỉ có một con đường độc đạo duy nhất vào được nơi đây, đó là phải đi qua cổng của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.

Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 1

Bãi rác thải của tỉnh Ninh Bình có cả chục người mưu sinh hàng ngày.

Tưởng chừng nơi đây chỉ có các loại rác thải, chuột bọ và mùi hôi thối, thế nhưng tại đây, hàng ngày vẫn có những người mưu sinh qua ngày bằng nghề nhặt rác.

Những ngày sau Tết Nguyên đán, lượng rác đổ về bãi rác thải nhiều gấp 2 - 3 ngày thường. Cũng vì thế mà những người làm nghề "kiếm cơm" ở bãi rác phải làm việc nhiều hơn để chạy đua với thời gian.

Sở dĩ, họ phải làm việc nhiều hơn ngày thường, bởi mỗi khi xe rác chở rác thải từ các nơi về đổ ra bãi, nếu nhặt không kịp thì máy ủi của nhà máy sẽ san lấp rác xuống hố và vùi lấp lại. Cơ hội nhặt được nhiều rác sẽ ít đi.

Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 2

Một người dân tìm kiếm, nhặt nhạnh những thứ có thể bán được từ đống rác thải khổng mới được xe rác đổ ra.

Tại bãi rác lớn nhất Ninh Bình hiện có khoảng 20 người làm nghề nhặt rác. Họ đều là những hộ dân sống bên ngoài khu bãi rác. Những gia đình này trước kia đã nhường đất canh tác, đất sản xuất cho nhà nước để làm dự án nhà máy xử lý rác và bãi chôn rác thải này.

Ông Bùi Thanh Quang, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, cho biết, có gần chục hộ gia đình sống gần nhà máy tham gia nhặt rác tại bãi rác của nhà máy. Những người dân này làm nghề nhặt rác được hơn 7 năm nay. Có hộ cả vợ lẫn chồng đều tham gia nhặt rác.

"Những người nhặt rác ở đây đều sống quanh khu vực, họ đã nhường đất cho dự án, cuộc sống thường ngày phải chịu ảnh hưởng bởi nhà máy và bãi rác. Vì thế, nhà máy tạo điều kiện cho họ vào khu vực bãi rác để nhặt rác mưu sinh, kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống", ông Quang nói.

Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 3

Nhiều người dân ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp mưu sinh từ nghề nhặt rác để có thêm thu nhập trong cuộc sống.

Cũng theo ông Quang, nhà máy tạo mọi điều kiện cho những người dân vào nhặt rác để bán phế liệu và không thu của họ bất cứ một chi phí nào. Danh sách những người nhặt rác được phía nhà máy quản lý, đồng thời nhắc nhở họ phải đảm bảo an toàn, bảo hộ lao động khi hành nghề tại đây.

Những người nhặt rác tại bãi rác làm việc quanh năm ngày tháng. Họ bắt đầu vào bãi rác từ sáng sớm cho đến chiều mới ra. Có gần 20 người cùng làm việc, họ nhặt rác chung với nhau, sau đó bán và lấy tiền chia nhau. Mỗi người được phân một nhiệm vụ riêng biệt, người nhặt rác đổ từ xe rác xuống, người phân loại rác, người đóng bao để vận chuyển đi bán…

Bà Phạm Thị Thu Hà, một người làm nghề nhặt rác nơi đây, chia sẻ: "Chẳng còn nghề nào khác đành phải đi nhặt rác chú ơi. Bẩn thủi, hôi thối vậy nhưng rồi cũng thành quen. Mỗi ngày nhặt rác cũng kiếm được 3 - 5 trăm nghìn đấy, tùy vào lượng rác thải về bãi".

Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 4

Ô nhiễm, nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập những người nhặt rác thải.

Cũng theo bà Hà, ban đầu đến bãi rác đi nhặt, mùi hôi thối khiến bà cũng như nhiều người khác buồn nôn, về nhà không ăn nổi cơm. Đủ mọi loại rác cứ ám ảnh trong đầu. Sau dần cũng quen với mùi rác thải ở đây, nhiều người giờ không làm lại thấy nhớ nghề.

Nghề nhặt rác bán phế liệu vất vả, cũng phải đổ mồ hôi, thậm chí có lúc không cẩn thận phải đổ cả máu nếu chẳng may đụng vào rác thải là mảnh vỡ thủy tinh, vật thể sắc nhọn cứa vào thân thể. Tuy nhiên, đổi lại, mỗi người đi nhặt rác đều đều, hàng tháng cũng kiếm được cả chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Nga tâm sự: "Nói đến cái nghề này đúng là chẳng ai muốn làm làm gì. Rác thải người ta đổ đi, toàn đồ thừa, hôi thối, ô nhiễm… đủ cả. Người ta đổ ra vậy mà mình lại lao vào nhặt nhạnh lấy từng thứ như lon bia, vỏ chai nước, túi ni lông cũ nát… dồn lại để bán phế liệu kiếm từng đồng tiền lẻ. Nghề nào kiếm được đồng tiền cũng khó, nghề nhặt rác này lại càng vất vả hơn".

Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 5
Chuyện những người quanh năm kiếm cơm ở… bãi rác - 6

Hằng ngày đi nhặt rác, một tháng mỗi một người cũng có thu nhập khoảng chục triệu đồng.

Theo chị Nga, hằng ngày mưu sinh, "kiếm cơm" ở bãi rác cũng cho thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng. Mỗi tháng kiếm được từ 9 đến hơn 10 triệu đồng, số tiền này cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. Nghề nhặt rác ở bãi rác hiện cũng không bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, mọi người ngày ngày vào bãi rác làm việc không ai đi đâu và tiếp xúc với ai.

"Nhặt nhạnh ở bãi rác hường xuyên phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm của rác thải. Nhiều người đi nhặt rác như tôi thường xuyên bị đau mắt, mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đối mặt với nhiều mối hiểm nguy từ chất thải nguy hại…", chị Nga Nói.

Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chẳng còn nghề khác, cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác nên bà Hà, chị Nga và những người dân ở đây đành phải chấp nhận mưu sinh bằng nghề chẳng giống ai này.