Chuyện ít biết về nghề kéo đẩy tàu bay
Thời gian họ phục vụ mỗi chuyến bay chỉ vài phút, nhưng là khâu quan trọng cuối cùng để chuyến bay chuẩn bị khởi hành an toàn, đúng giờ.
Người nắm trong tay thiết bị 2 triệu USD
Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này mưa nắng thất thường nhưng anh Vương Thế Dũng và các thành viên trong Đội phục vụ sân đỗ quốc tế (Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn - SAGS) vẫn âm thầm với công việc kéo đẩy tàu bay từ sân đỗ ra đường lăn để chuẩn bị cất cánh. Công việc lặp lại mỗi ngày song các anh không một phút lơ là, mất tập trung.
Làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 1985 với nhiều vai trò khác nhau nhưng anh Dũng đã có 15 năm làm nhiệm vụ kéo đẩy tàu bay. Năm 2005, khi SAGS thành lập, anh Dũng là một trong 12 người đầu tiên được chuyển từ đội cứu hỏa sang làm công tác phục vụ mặt đất.
Mấy tháng liền, các anh phải tập trung học tập, huấn luyện với tất cả các xe, thiết bị phục vụ mặt đất, từ xe nâng hàng, chở hàng, xe băng chuyền, xe chở khách đặc biệt đến xe kéo đẩy tàu bay.
Và cái duyên đến vào năm 2007 khi lãnh đạo SAGS tín nhiệm, giao cho anh Dũng vận hành chiếc xe kéo đẩy trị giá 2 triệu USD, thiết bị phục vụ mặt đất giá trị nhất hiện nay. Chiếc xe này có thể đẩy được những loại tàu bay lớn như Boeng 747, AirBus A380…
Thời gian sử dụng xe kéo đẩy tàu bay nhiều nhất là lúc tàu bay ở khu vực sân đỗ. Sau khi hành khách ổn định chỗ ngồi, thợ máy và nhân viên SAGS kết nối xe đẩy vào càng trước tàu bay, dùng bộ đàm liên lạc với phi công để vận hành nhịp nhàng.
Khi kiểm soát viên không lưu đồng ý và ra huấn lệnh cho tàu bay ra đường lăn, phi công nhả thắng, thông báo cho thợ máy, tài xế xe đẩy để việc đẩy tàu bay bắt đầu.
Theo anh Dũng, những chiếc xe kéo đẩy tàu bay được trang bị hiện đại, chỉ cần lập trình số hiệu tàu bay là có thể vận hành dễ dàng. Nhưng nếu chỉ nhấn sai một nút là máy không hoạt động, nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra lại từ đầu mất nhiều thời gian.
“Kéo tàu bay đi tới đã khó, đẩy lùi càng khó vạn lần, bởi với sải cánh dài nên góc lái phải rộng, chú ý đến “góc chết”. Nếu vượt góc lái này thì chốt nối giữa xe đẩy và càng máy bay sẽ bị gãy, nguy cơ tiềm ẩn vô vàn tình huống mất an toàn trên sân đỗ” anh Dũng nói.
Dù thiết bị hiện đại thế nào thì quá trình vận hành, sự phối hợp giữa các bộ phận phải chuẩn xác và đôi lúc cần thêm một chút kinh nghiệm để xử lý tình huống.
Anh Dũng kể, có lần đẩy một chiếc tàu bay từ vị trí đỗ tới đường lăn chuẩn bị ra đường cất hạ cánh, Đài chỉ huy báo đến tổ lái vận hành tàu bay theo hướng “đầu quay hướng Đông, đuôi quay hướng Tây”.
Tổ lái thông tin đến thợ máy nguyên văn câu của Đài chỉ huy, nhưng do bấm bộ đàm không kịp, nên thông tin đến thợ máy bị mất câu đầu, chỉ còn mỗi từ “hướng Tây”. Thợ máy cũng không kinh nghiệm nên thông tin đến lái xe đẩy là ra “hướng Tây”.
Khi mới đẩy tàu bay một đoạn, anh Dũng phát hiện hướng đẩy có vấn đề (bởi tất cả tàu bay, đầu đều ra theo hướng Đông) nên lập tức cho dừng lại để xin thông tin chính xác từ Đài chỉ huy. “Nếu không có kinh nghiệm và sự tập trung cao độ mà chỉ theo huấn lệnh từ tổ lái thì chưa biết chuyện gì xảy ra”, anh nhớ lại.
Tuyển chọn những người có tâm lý vững
Theo anh Hoàng Quang Đô, Đội trưởng Đội Phục vụ sân đỗ quốc tế (Công ty SAGS), mỗi ngày SAGS phục vụ kéo đẩy cho trên 150 chuyến bay, cao điểm trên 200 chuyến. Căng thẳng nhất là phục vụ chuyên cơ, những chuyến bay chở nguyên thủ quốc gia các nước đi/đến Việt Nam.
Đã 20 năm làm nghề phục vụ mặt đất, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều khiển xe kéo đẩy tàu bay, anh Đô gần như không nhớ hết những chuyến bay đặc biệt mà mình và anh em trong đội đã phục vụ.
Nhưng trước mỗi chuyến bay, anh Đô luôn tự nhắc mình và anh em về sự cẩn trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình phục vụ.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó tổng giám đốc SAGS chia sẻ, những người kéo đẩy tàu bay phải là những người từng phục vụ trong ngành hàng không lâu năm.
Người mới vào nghề thường được cho phục vụ các xe như đầu kéo băng chuyền, sau đó là các xe nâng hàng, xe thang tiếp cận tàu bay. Sau thời gian từ 5 - 6 năm, những người này nếu có tay nghề tốt, có tâm lý vững sẽ được lựa chọn để đưa đi đào tạo điều khiển xe kéo đẩy tàu bay.
“Yếu tố quan trọng đối với một người điều khiển xe kéo đẩy là phải có tâm lý vững. Bởi nếu một người có tâm lý không tốt, khi đứng trước một chiếc tàu bay to lớn, giá trị hàng trăm triệu USD, sẽ rất dễ bị “khớp”. Đặc biệt khi xảy ra những tình huống, sự cố bất ngờ, nếu tâm lý không tốt sẽ bị rối, không xử lý được dẫn đến mất an ninh, an toàn”, ông Mỹ cho hay.
Căng thẳng khi phục vụ chuyên cơ Tổng thống Mỹ
Anh Hoàng Quang Đô, Đội trưởng Đội Phục vụ sân đỗ quốc tế (Công ty SAGS) kể, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam tháng 5/2016 có đến TP HCM, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ không phải dùng xe kéo đẩy, bởi an ninh Mỹ hạn chế tối đa các phương tiện tiếp cận chuyên cơ. Thế nhưng họ vẫn bỏ tiền ra thuê tất cả các thiết bị, nhân viên phục vụ như một chuyến bay bình thường để dự phòng.
Họ kiểm tra rất kỹ, đến một vết dơ trên thiết bị cũng phải được làm sạch. Lính bắn tỉa được bố trí khắp nơi trong sân bay để sẵn sàng ngăn chặn những tình huống uy hiếp an ninh.
“Anh em làm việc nhiều lúc không dám xỏ tay vào túi quần hoặc thò tay bên trong áo khoác, bởi với lực lượng an ninh Mỹ thì đây là những điều “cấm kỵ”, có thể bị nghi ngờ uy hiếp an toàn đối với các lãnh đạo”, anh Đô nhớ lại.