Đồng Nai: Người dân học nghề nhằm 'đón đầu' Dự án Sân bay Long Thành

Dự kiến Dự án Sân bay Long Thành sẽ khởi công giai đoạn 1. Trong quá trình thi công, vận hành, sân bay này cần khoảng 14.000 lao động chuyên về lĩnh vực hàng không và các ngành nghề khác.

Nhằm "đón đầu" Dự án, nhiều học sinh sống trong vùng Dự án đã theo học các trường nghề với mong muốn sau này được làm việc tại Sân bay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, thời gian gần đây, ngành chức năng Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc Dự án Sân bay Long Thành.

Kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, mỗi người dân trong vùng Dự án khi tham gia học trung cấp và cao đẳng sẽ được tỉnh Đồng Nai hỗ trợ học phí một khóa đào tạo, học sơ cấp nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Ông Cao Tiến Dũng khẳng định: “Đối với nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành, chính quyền Đồng Nai đã hợp tác với một số trường đào tạo nhân lực chất lượng cao; làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để nắm rõ cung cầu lao động khi Sân bay khởi công, đi vào khai thác. Quan điểm của tỉnh Đồng Nai cũng như các cơ quan Trung ương là người dân vùng Dự án đã nhường đất xây Sân bay, họ phải được ưu tiên về mọi mặt. Khi Sân bay khởi công, vận hành, tỉnh sẽ làm việc cụ thể với chủ đầu tư, qua đó bố trí công việc phù hợp cho người dân vùng Dự án, đặc biệt là những người đã học nghề, mong muốn vào sân bay làm việc”.

Đồng Nai: Người dân học nghề nhằm đón đầu Dự án Sân bay Long Thành - 1

Ngày 17/7, Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai tổ chức Hội nghị triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh minh họa: baodongnai.com.vn

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, việc xây dựng Sân bay Long Thành sẽ có gần 5.300 gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 9.700 người từ 15 tuổi trở lên. Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm của người lao động trong vùng Dự án. Kết quả cho thấy có hàng nghìn người muốn được học nghề, sau này vào Sân bay làm việc.

Em Hoàng Nguyễn Minh Đức, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã học nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 được gần 2 năm. Theo Đức, gia đình em thuộc diện giải tỏa "trắng", bị thu hồi hơn 1 ha đất để phục vụ Dự án Sân bay Long Thành. Năm 2018, Đức tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Ban đầu, em dự định thi vào đại học. Sau khi tìm hiểu, Đức đã quyết định theo học nghề với mong muốn sau này được vào làm việc trong Sân bay.

Em Nguyễn Hoàng Minh Đức chia sẻ: “Do không còn đất sản xuất, sau này, em không thể làm nông nghiệp. Em theo học nghề cơ khí, mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ được làm việc tại Sân bay Long Thành".

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho biết: Hiện nay, Trường Công nghệ Quốc tế Lilama 2 có khoảng 250 học viên là con em trong vùng Dự án Sân bay Long Thành đang học các ngành nghề như: Cơ khí, điện tử, kế toán. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Sân bay, nhà trường đã hợp tác với Viện Khoa học hàng không Việt Nam và Trường Cao đẳng West College Scotland (của Scotland) để chuẩn bị các chương trình, phương pháp dạy và học; tích hợp chương trình hàng không vào quá trình đào tạo một số ngành nghề; đồng thời chú trọng đào tạo thêm cho học viên văn hóa ứng xử, tác phong, kỷ luật làm việc.

Em Nguyễn Thị Lan, ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành cho biết: "Gia đình em phải nhường đất để Nhà nước xây Sân bay, tới đây sẽ ra khu tái định cư ở. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ cần nhiều lao động dịch vụ. Em theo học ngành Kế toán tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi được hơn 1 năm. Sau này, em mong muốn được tiếp nhận vào Sân bay làm các công việc phù hợp".

Theo ông Đỗ Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Hàng không Việt Nam, dự kiến, giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 14.000 lao động. Khi giai đoạn 2 đi vào khai thác, sân bay sử dụng khoảng 37.000 người.

Do các yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn, an ninh và chất lượng, nguồn nhân lực của ngành Hàng không đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, bao gồm nhiều yếu tố như học vấn, trình độ chuyên môn, chính trị, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc. Hiện nay, chỉ có một số đơn vị ở nước ta được cấp phép đào tạo nhân lực cho ngành Hàng không.

Ông Đỗ Hồng Trường nhấn mạnh: “Ngành hàng không có nhiều quy định rất chặt chẽ nhưng chỉ áp dụng đối với những chức danh đặc thù, liên quan đến an toàn bay như: Phi công, tiếp viên, nhân viên không lưu, thợ kỹ thuật máy bay.

Với lao động phổ thông làm việc ở khu vực nhà ga, sân đỗ, vận hành một số trang thiết bị đơn giản chỉ cần huấn luyện về an toàn, an ninh, quy định về làm việc ở nhà ga. Hiện, nhiều trường nghề ở Đồng Nai có thể đào tạo lao động phổ thông phục vụ Sân bay Long Thành. Cơ hội làm việc trong sân bay cho mọi người là rất lớn. Người lao động, ngoài trang bị kỹ năng chuyên môn, cần tập trung học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh”.

Theo Công Phong

Baotintuc.vn