Chuyện buồn của người đàn ông tán gia bại sản vì dính vào XKLĐ chui

Hoàng Lam

(Dân trí) - Được hứa cho 100 USD trên mỗi hồ sơ thu gom được, anh Tiếp nhận lời. Đường dây XKLĐ chui này bị "bể", kẻ cầm đầu bỏ trốn, anh Tiếp bán hết gia sản để trả nợ, còn vướng vào tù tội.

Hám tiền hoa hồng, biến mình thành "cò" XKLĐ

Bản án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 48 tháng mà TAND tỉnh Nghệ An vừa tuyên, khuôn mặt anh Phạm Minh Tiếp (tên nhân vật đã được thay đổi) trở nên nhẹ nhõm hơn. Gần 8 năm nay, anh khốn khổ trăm bề bởi một lần nhẹ dạ và cả lòng tham, đã vô tình trở thành mắt xích của một đường dây xuất khẩu lao động (XKLĐ) chui.

Trước đó, sau thời gian làm ăn ở Lào và Thái Lan, anh Tiếp đã tích lũy được số vốn. Năm 2007, vợ chồng anh Tiếp "hồi hương", mở một quán cà phê nho nhỏ ở TP Vinh (Nghệ An) sinh sống. Quán có 1 vị khách quen. Khi thì vị khách này ngồi với nhóm người này, lần sau trò chuyện với nhóm người khác. Chuyện của khách, anh Tiếp cũng không mấy quan tâm.

Thế nhưng, sự có mặt thường xuyên của vị khách này cũng khiến tình cảm giữa chủ và khách thân tình hơn. Người khách này tên Dũng, quê Nghệ An nhưng sinh sống ở Hà Nội, giới thiệu đang làm giám đốc một công ty xuất khẩu lao động sang Châu Âu và một số nước châu Á.

Chuyện buồn của người đàn ông tán gia bại sản vì dính vào XKLĐ chui - 1

Thiếu hiểu biết và hám lợi, anh Tiếp phải bán hết gia sản để trả nợ cho người lao động, còn bản thân thì vướng vào tù tội.

Dũng gợi ý anh Tiếp tham gia thu gom hồ sơ giúp mình, dặn dò cụ thể từng mức chi phí khác nhau cho từng nước mà lao động muốn đến. Cứ mỗi hồ sơ thu gom được Dũng trả cho anh Tiếp 100-200 USD.

"Dũng nói người lao động sang đó làm việc trong 3 năm, làm tốt có thể được gia hạn. Sau 4-6 tháng nộp hồ sơ và tiền cọc là có thể đi được, nếu không đi được Dũng sẽ hoàn trả lại tiền. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực này, chỉ nghĩ mình giúp người ta gom hồ sơ, không mất gì mà còn có tiền thì làm thôi", anh Tiếp tâm sự.

Chỉ trong gần 1 năm, thông qua vợ chồng một người quen, anh Tiếp gom được 22 hồ sơ cùng 38 nghìn USD và gần 200 triệu đồng của lao động có nhu cầu xuất cảnh sang các nước. Theo hướng dẫn của Dũng, anh Tiếp gửi giấy tờ cùng 39.000 USD cho người đàn ông này để làm thủ tục xuất cảnh cho lao động.

Sau khi chuyển tiền và hồ sơ, anh Tiếp nhiều lần hỏi Dũng về tiến độ nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn với lí do "làm thủ tục Visa khó" và dặn "chờ thêm".

Những lời hứa hẹn cứ liên tiếp được đưa ra trong sự sốt ruột của anh Tiếp và các lao động. Đến đầu năm 2010, không thể liên lạc được với Dũng, anh Tiếp mới biết mình bị lừa.

Tán gia bại sản, dính vào tù tội

"Lao động đã nộp tiền nay không đi được liền đòi lại nên vợ chồng người quen của tôi cũng gây sức ép lên tôi. Cái này mình sai, không thể trốn tránh trách nhiệm được. Tôi quyết định bán hết nhà cửa, tài sản, vay mượn anh em để hoàn trả cho họ.

Bán sạch tài sản, vợ chồng con cái không còn chỗ ở nhưng cũng chỉ trả được 21.500 USD và 205 triệu đồng. Trước sức ép bị đòi nợ, tôi quẫn trí quá nên bỏ trốn khi biết bị tố cáo ra công an", anh Tiếp bộc bạch.

Liên quan đến vụ việc này, năm 2012, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người đàn ông này về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối với người đàn ông tên Dũng, do anh Tiếp không rõ lai lịch cụ thể nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xác minh, xử lý theo quy định.

Tháng 7/2020, sau khi trải qua biến cố gia đình (người vợ qua đời đột ngột), anh Tiếp đã đến công an đầu thú. Quá trình điều tra, cơ quan an ninh điều tra đã thay đổi tội danh, khởi tố anh Tiếp về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài".

Trong thời gian này, anh Tiếp tiếp tục vay mượn, hoàn trả toàn bộ số tiền cho vợ chồng người quen để trả cho các lao động.

"Trong vụ việc này, mặc dù tán gia bại sản, bản thân vướng vào vòng lao lý nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì không có ai trong số lao động kia xuất cảnh thành công. Nếu họ đã được đưa ra nước ngoài bằng con đường xuất khẩu "chui" mà không may gặp rủi ro về sức khỏe, tính mạng thì mình còn phải trả giá đắt hơn nữa", anh Tiếp trần tình.

Đón nhận bản án 24 tháng tù treo, anh Tiếp cho biết, với sự khoan hồng của pháp luật, anh còn có cơ hội để lao động kiếm sống và chăm lo cho hai đứa con nhỏ, dù rằng bắt đầu lại từ độ tuổi này không hề đơn giản.

"Chỉ có lao động chân chính mới có thể sống một cách thanh thản. Tôi mong rằng đừng ai vì thiếu hiểu biết, vì lòng tham mà tự biến mình trở thành mắt xích đường dây XKLĐ chui để rồi phải trả cái giá quá đắt như tôi", người đàn ông này trải lòng.