1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chưa giảm được công chức "cắp ô" đã phải lo chuyện mất nhân lực giỏi!

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - TS.Nguyễn Quang Đồng cho rằng tiền lương với công chức còn nhiều bất cập. Cải cách hành chính chưa giảm được số cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" thì đã phải đối mặt với mất nhân lực giỏi.

Đó là chia sẻ của chuyên gia chính sách công, Viện Chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng về nguyên nhân dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc của công chức, viên chức.

Chỉ trong vòng 2,5 năm qua đã có khoảng 40.000 người trong khu vực công nghỉ việc. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Đã có những giai đoạn công chức, viên chức tự hào là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Tuy nhiên hiện tại, việc chuyển từ khu vực công sang tư phản ánh môi trường làm việc, khả năng cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực giữa hai khu vực có sự khác nhau rõ rệt.

Chưa giảm được công chức cắp ô đã phải lo chuyện mất nhân lực giỏi! - 1

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, Viện Chính sách và phát triển truyền thông (IPS) (Ảnh: NVCC).

Không nên quá lo lắng và coi đó là một vấn đề quá tiêu cực. Tôi nghĩ rằng cần nhìn kĩ vào từng nhóm đối tượng rời bỏ việc làm ở khu vực công. Nếu nhìn kĩ thì thấy trong số 40.000 người đó, có đến 90% là viên chức, là những người tham gia cung cấp dịch vụ công.

Phân tích sâu hơn nữa, số viên chức rời bỏ khu vực công này cũng chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục. Điều này cho thấy không có chuyện "chảy máu chất xám" quá lớn bởi nhân sự làm ở trường tư hay viện tư thì cũng vẫn là trong ngành, tiếp tục cung cấp dịch vụ phục vụ cho người dân.

Nhóm đáng quan tâm lúc này là nhóm công chức, những người trực tiếp làm ở cơ quan hành chính, các bộ, ngành, cục, vụ. Số nhân sự rời đi, nếu phần lớn là công chức, đặc biệt là ở các thành phố lớn thì đó mới là vấn đề cần "giật mình", xem xét nghiêm túc bởi nhóm công chức này được xem là tinh hoa trong bộ máy hành chính và rất khó tìm được đội ngũ có thể thay thế họ.

Tôi không có được con số cụ thể về số lượng công chức ra đi bao nhiêu tuổi, làm ở khu vực công bao nhiêu năm, vị trí của họ là cán bộ quản lý hay chuyên viên tập sự ban đầu.

Quan sát một số xu hướng, qua một số câu chuyện, tôi thấy có một điểm khá đáng lo ngại. Ở tầng lớp cao cấp tương đương chuyên viên, họ có năng lực, trình độ thực sự, họ có cơ hội chuyển ra ngoài làm việc và bây giờ họ đang rời khỏi khu vực công, nhóm công chức này mới cho thấy đang có "dòng" chảy máu chất xám.

Như ông từng cảnh báo, khu vực công đang đối mặt với thách thức kép khi dòng chất xám đang "chảy" khỏi khu vực công. Cụ thể những thách thức ở đây là gì?

Thách thức kép đó là nghịch lý, cải cách hành chính chưa giảm được số người cần tinh giản, chưa cắt giảm được số công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" thì đã phải đối mặt với thách thức thứ 2 là mất nhân sự giỏi. Đồng thời, khu vực công cũng không có khả năng thu phục được những người giỏi ở bên ngoài vào làm việc để bù đắp, thay thế.

Tinh giản biên chế ở đây phải nhìn rõ ở 3 khu vực, nhóm 1 là những cán bộ ở các đoàn thể, khối các cơ quan đảng, nhóm 2 là công chức và viên chức là nhóm 3.

Cắt giảm số lượng đáng lẽ cần hướng tới nhóm 1 và nhóm 3. Còn với nhóm công chức, thực chất không phải số lượng tăng lên mà bởi khối lượng công việc hành chính sẽ tăng tương ứng khi mà nền kinh tế ngày càng phức tạp. Khối lượng, quy mô công việc tăng thì cần tăng số lượng công chức để xử lý, vận hành. Nếu không, như ở những thành phố lớn, phát triển, mức tăng trưởng cao sẽ thấy rõ áp lực thiếu công chức, tiêu biểu như TPHCM. 

Với nhóm viên chức, khi khu vực tư nhân đã phát triển, tham gia cung cấp dịch vụ như giáo dục, y tế, văn hóa giải trí... thì nhà nước nên rút dần khỏi những lĩnh vực này, giảm số lượng viên chức, từ đó sẽ có thêm nguồn lực để tăng lương cho nhóm công chức.

Ta chưa chọn đúng trọng tâm khi thực hiện tinh giản biên chế là thế. 

Việc vào biên chế là mơ ước của hầu hết người Việt lâu nay. Nhưng giờ, dù đã vào được biên chế rồi, không ít người vẫn sẵn sàng rời bỏ?

Lý do của việc này, một là đến từ chuyện chế độ đãi ngộ, lương bổng, hai là về cơ hội thăng tiến trong vị trí công việc, sự ghi nhận những đóng góp, giá trị của họ. Chế độ đãi ngộ là điều kiện cần, môi trường làm việc là điều kiện đủ để giữ chân công chức ở lại.

Rõ ràng là lương cán bộ, công chức ở khu vực công hiện rất thấp. Một người làm ở vị trí chuyên môn đòi hỏi cao, phải rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm 5-7 năm mới lên được bậc chuyên viên chính mà lương nhận được chỉ bằng mức trung bình các doanh nghiệp trả cho nhân viên tập sự. Mức lương như vậy làm sao có thể cạnh tranh được với khu vực tư.

Ở một so sánh khác, lương và phụ cấp chức vụ ở các vị trí cao nhất trong bộ máy hành chính nhà nước, như Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh cũng chỉ bằng lương của một nhân viên có 5-7 năm kinh nghiệm. Làm thế nào cán bộ có động lực gắn bó với một mức lương thấp như vậy. Lương trả thấp đương nhiên họ phải nghĩ đến những công việc khác, thậm chí những nguồn thu nhập không chính đáng.

Thứ 2, việc thăng tiến ở khu vực công cũng hạn chế hơn bởi cơ chế tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc, mà thứ tự ưu tiên về cơ hội, như dân gian đúc kết là, "nhất quan hệ, nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ...".

Trong khi đó, khu vực tư, ngoài lương bổng hơn hẳn, môi trường mang tính cạnh tranh, hấp dẫn hơn thì cơ hội thăng tiến cũng cao hơn, thu hút sự chuyển dịch từ khu vực công.

Như ông nói, có thể thấy mấu chốt để thu hút, giữ chân nhân lực ở khu vực công chính là chuyện "có thực mới vực được đạo"?

Tôi thấy việc căn cơ là phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính. Đó là vấn đề gốc rễ. Cần xác định đâu mới là nhóm cần ưu tiên cải cách lương.

Quỹ lương của nhà nước có hạn nên cần phải tập trung cho đội ngũ công chức tinh hoa. Đó là nguồn nhân lực cần phải giữ và tăng thêm trong khi viên chức là nhóm cần phải thu hẹp.

Thực tế cơ chế hiện nay đang cào bằng, chưa có trọng tâm. Muốn cải cách cần xác định lại trọng tâm vì nguồn lực bao giờ cũng là hữu hạn.

Ngắn hạn thì cũng cần phải nhắm vào nhóm công chức trước hết. Cần có khung lương bổng riêng cho nhóm này để giữ chân, khuyến khích họ và phải thu hút thêm người giỏi từ bên ngoài vào.

Bên cạnh đó, cần tính đến xu thế phát triển về mặt công nghệ, hay gọi là chuyển đổi số, chuyển đổi số thì giao dịch điện tử nhiều hơn, phần mềm công nghệ số hỗ trợ thế nào cho công chức để giảm thời gian, khối lượng hành chính, thủ tục giấy tờ xuống cũng là yếu tố cần đưa vào như một yếu tố song song khi xem xét chuyện bố trí biên chế.

Xin nhắc lại, có xu hướng viên chức "chạy" ra ngoài nhưng chưa ở mức báo động, đáng báo động phải là diễn biến ở nhóm công chức.