Chính phủ báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Trước Ban chấp hành Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tiếp thu, giải trình về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023 và phương án điều chỉnh tiền lương.

Đây là một nội dung được đề cập trong thông cáo về phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chiều 9/10.

Chính phủ báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương - 1

Vấn đề điều chỉnh tiền lương cơ sở đã duy trì từ năm 2019 đến nay được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Ảnh: VGP).

Tại phiên họp, các Ủy viên Bộ Chính trị trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến Trung ương thảo luận tại hội nghị.

Trong đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023 và phương án điều chỉnh tiền lương; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; Đề án định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban chấp hành Trung ương đã cơ bản tán thành nội dung các báo cáo, thống nhất nhận định, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài dự báo, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi.

Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận tại hội nghị và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh, ban hành kết luận. Đồng thời chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo nêu trên (trong đó có việc hoàn chỉnh phương án điều chỉnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023) để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 được các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương thông qua sau đó có nội dung cụ thể về vấn đề này.

Thực tế, lương cơ sở làm căn cứ tính lương cho khối cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công đã được níu giữ từ năm 2019 đến nay chưa thay đổi. Lộ trình cải cách tiền lương đã nhiều lần phải lùi, gần đây nhất là do những khó khăn của đất nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. 

Điều này dẫn tới khoảng chênh lệch được đánh giá là đã nới rộng, mất cân bằng về lương, thu nhập giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp. 2,5 năm qua, cả nước chứng kiến làn sóng 40.000 công chức, viên chức rời bỏ khu vực công, chuyển sang làm ở khu vực tư nhân do thu nhập, mức đãi ngộ "không đủ sống". Tiền lương cơ sở được đánh giá chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu. 

Do đó, điều chỉnh tiền lương, nhanh chóng cải thiện mức thu nhập với cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ nhận định là vấn đề cấp thiết lúc này để ngăn chặn việc "chảy máu chất xám", người tài rời bỏ hệ thống. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra tới đây, các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đều thông báo tới cử tri về kế hoạch sớm tăng lương cơ sở.