Bài 12:

Chưa đền bù thỏa đáng, lao động bị đánh ở Algeria đề nghị Bộ Lao động can thiệp

(Dân trí) - Sáng 21/12, hàng chục lao động của Công ty Simco Sông Đà (Hà Nội) đã gửi đơn đề nghị hỗ trợ giải quyết việc thanh lý hợp đồng tới Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Vụ việc liên quan tới lao động VN bị hành hung ở Algeria và phải xin về nước trước hạn vừa qua.


Lao động tới Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị hỗ trợ giải quyết sáng 21/12

Lao động tới Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị hỗ trợ giải quyết sáng 21/12

Chưa thống nhất ở phương án thanh lý

Trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Văn Lại (Ứng Hòa, Hà Nội) mong muốn Công ty Simco Sông Đà sớm thanh lý hợp đồng theo hướng có lý, có tình để có kinh phí để tiếp tục làm ăn. “Hôm 18/12, tôi đã ra làm việc với Cty nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng” - anh Nguyễn Văn Lại cho biết.

Cùng tâm trạng trên, anh Cấn Hữu Phước (Thạch Thất, Hà Nội) bổ sung: Hôm 18/12, tôi và nhiều anh em đã làm việc với đại diện công ty về việc thanh lý hợp đồng. Nhưng rút cục công ty không đưa ra được phương án hiệu quả. Bản thân tôi và nhiều anh em phải đi lại nhiều lần. Nay sắp tới Tết rồi, tôi cũng muốn có thông tin cụ thể về tiền nong để góp Tết với gia đình.

Từ tháng 6-7/2015, hơn 50 lao động VN được Công ty Simco Sông Đà (Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria). Sau một thời gian làm việc, công nhân đã bị phía chủ sử dụng Trung Quốc hành hung và phải xin về nước trước hạn hợp đồng.

Theo nhiều lao động, hôm 18/12, Cty Simco Sông Đà có đưa ra có đưa ra phương án khấu trừ chi phí. Tuy nhiên, anh Lê Đức Thịnh (Bắc Giang) nói: “Phương án này sau khi khấu trừ các chi phí, người lao động sẽ không còn một đồng nào. Ngoại trừ một khoản lương trong 2 tháng làm việc ở Algeria”.

Theo anh Lê Đức Thịnh, nhiều người có giấy hẹn làm việc vào ngày 21/12 nhưng không được giải quyết. “Vì vậy, chúng tôi làm đơn để nhờ Cục Quản lý lao động Ngoài nước can thiệp”.

Đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động
Đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động

Nhiều phương án nhưng chờ ý kiến chỉ đạo

Trong một diễn biến khác, chiều 21/12, PV Dân trí đã liên hệ với đại diện Cty Simco Sông Đà để có thông tin 2 chiều.

Giải thích lý do chưa hoàn thành việc thanh lý, ông Nguyễn Khắc Kim - Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà - cho biết: “Ngày 15/12, chúng tôi mới nhận được các thông báo về tiền lương của phía Nhà thầu Trung Quốc từ Algeria gửi về. Do thời gian làm việc khác nhau nên tiền lương còn lại của người lao động chỉ dao động từ vài trăm USD tới hơn 1.000 USD.

Trên cơ sở đó, hôm 18/12, đại diện công ty đã cuộc trao đổi với người lao động về phương án thanh lý. Công ty đã đưa ra một số phương án thanh lý bằng tiền hoặc có thể mở hướng đi XKLĐ sang thị trường khác cho người lao động.

Tuy nhiên, đa số người lao động đều muốn lấy lại toàn bộ số tiền đã đóng. Việc này còn gây tranh cãi giữa 2 bên”.


Nhóm đại diện người lao động gửi đơn tới Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Nhóm đại diện người lao động gửi đơn tới Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Được biết trước đó, Công ty Simco Sông Đà đã ứng ra cho mỗi lao động số tiền gồm: 1.700 USD bồi thường cho Nhà thầu Trung Quốc và hơn 500 USD mua vé máy bay. Tổng số lao động về nước trong đợt này là hơn 50 lao động.

Buổi đàm phán hôm 18/12 đã thất bại, công ty Simco Sông Đà chưa đưa ra thời hạn làm việc tiếp theo. “Sáng 21/12, Công ty đã gửi văn bản lên Cục Quản lý lao động ngoài nước để báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Khi có thông tin cập nhật, chúng tôi sẽ có thông báo sau”  - ông Nguyễn Khắc Kim nói.

Như vậy, sự việc chưa thống nhất quan điểm về phương án thanh lý hợp đồng cũng như việc Cty Simco Sông Đà chưa có lịch hẹn đàm phán tiếp theo là nguyên nhân khiến người lao động tìm đến Cục Quản lý lao động ngoài nước sáng 21/12.

Sáng 21/12, Cục quản lý lao động ngoài nước đã tiếp nhận đơn đề nghị của đại diện người lao động. “Chúng tôi muốn nghe giải trình từ 2 phía sau đó sẽ có ý kiến tiếp theo về vụ việc này” - ông Phạm Viết Hương, Cục Phó Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Hoàng Mạnh