1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ quán bánh canh "bán vì đam mê", quyết giữ giá 10.000 đồng/tô

Diệp Phan

(Dân trí) - "Bán không cần lời" hay "sợ người nghèo ăn không đủ no" là lý do vợ chồng anh Phương duy trì quán bánh canh "giá nào cũng bán" ở Quận 8 suốt 4 năm không hề tăng giá.

Tô bánh canh 10.000 đồng vẫn có thịt 

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 1

Chị Lê Thị Ngọc Hà, 40 tuổi, vợ anh Phương đang múc bánh canh cho khách (Ảnh: Giảng Vy).

Trong con hẻm nhỏ số 7 trên đường Phạm Thể Hiển ở Quận 8, TPHCM, quán bánh canh Mỹ Tho của vợ chồng anh Trần Thanh Phương đến nay vẫn giữ mức giá 10.000 đồng. 

Hơn 4 năm qua, vợ chồng anh Phương không hề tăng giá nên khách hàng thường hay nói đùa, vợ chồng chủ quán "buôn bán vì đam mê". Nhờ giá rẻ nên quán có nhiều khách quen. Vợ chồng anh lấy công làm lời. Khách hàng của anh chị chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động tay chân. 

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 2

Bánh canh được nấu nóng và mang ra bán liên tục (Ảnh: Giảng Vy).

Giữa thời bão giá, để có một bữa ăn vừa ngon vừa đầy đủ như quán của anh Phương giữa đất Sài Gòn "gạo châu củi quế" không đơn giản. Nhưng vợ chồng anh quyết không tăng giá vì "sợ người nghèo không có tiền ăn". 

Nhiều người nghĩ bánh canh 10 nghìn chắc hẳn "không có gì để ăn", nhưng thực tế, tô bánh vẫn đủ da heo, củ cải, huyết vịt, vài miếng thịt nạc và tôm khô. Nếu ai không thích ăn thịt thì có thể thay thành một cọng sườn heo.

Ngoài ra, ông chủ cũng bán những tô bánh canh có giá vài chục nghìn dành cho những người có điều kiện kinh tế hơn với tôm, mực, giò heo... 

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 3

Tô bánh canh có đủ thịt, da, huyết, củ cải... giá 10 nghìn đồng (Ảnh: Giảng Vy).

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 4

Khách yêu cầu thì chủ quán vẫn có thêm đủ tôm, thịt, sườn cho tô bánh canh, giá bán 35 nghìn đồng (Ảnh: Giảng Vy).

Ngoài giá rẻ, bí quyết để quán bánh canh luôn đông khách là bởi sợi bánh được lấy từ Mỹ Tho chuyển lên Sài Gòn. Mỗi ngày, anh đặt 120 kg bánh canh bột gạo, làm từ  khuôn riêng do anh yêu cầu để sợi bánh vừa phải, không quá to, tránh cảm giác bị ngán. 

"Mỗi ngày, tôi phải dậy từ sớm để đi chợ đầu mối mua thực phẩm tươi ngon nhất. Phần nước dùng được hầm từ xương sườn, củ cải muối, huyết vịt và ruốc nên mùi vị rất đậm đà. Không thể vì giá rẻ mà làm sơ sài được", anh Phương quan niệm. 

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 5

Sợi bánh canh đặt mua từ Mỹ Tho chuyển lên Sài Gòn mỗi ngày (Ảnh: Giảng Vy).

Bán rẻ cũng là một cách từ thiện

"Nói bánh canh 10 nghìn nhưng khách vào ăn thì giá bao nhiêu tôi cũng bán. Có người vào ăn 5 nghìn, 2 nghìn, còn như mấy cô chú bán vé số hay mấy đứa nhỏ vào ăn thì tôi mời luôn. Cuối năm khách quen đến ăn quán cũng không lấy tiền vì thời điểm đó nhà nào cũng phải tốn tiền nhiều lắm, coi như tri ân cho khách, tặng chút lộc cho mỗi người", chị Ngọc Hà cho biết. 

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 6

Lượng khách của quán đông, ổn định từ chiều đến tối (Ảnh: Giảng Vy).

Mỗi ngày quán bán từ 11 - 18h, có khi đắt hàng, hết sớm thì ông bà chủ quán sẽ nghỉ sớm. Quán chỉ vỏn vẹn 10 bàn đặt nép bên con hẻm nhưng không lúc nào vắng khách, người ra kẻ vào liên tục.

Có ngày bán được cả nghìn tô, tương đương khoảng 170 lít nước lèo. Khách tới ăn chủ yếu nhờ người giới thiệu, có người biết qua mạng xã hội... Đó là động lực to lớn để anh chị duy trì quán tới nay. 

"Tôi mới biết tới quán này khoảng mấy tháng qua mạng xã hội. Lúc đầu tò mò  vì quán bán rẻ quá nên ăn thử. Mới đầu còn ngại chất lượng vệ sinh vì quán bán lề đường nhưng sau một thời gian, tôi thấy bánh canh không những ngon, rẻ mà còn sạch sẽ nên quyết định sẽ chung thành lâu dài", một khách quen tại quán cho biết.

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 7

Quán bánh canh là điểm đến quen thuộc của cánh xe ôm, người lao động nghèo (Ảnh: Giảng Vy).

Anh Phương vui vẻ kể: "Nhiều người mở quán bán hàng mà sắm xe, cất nhà. Còn tôi bán vì thấy mọi người ăn xong thì quay lại ủng hộ, chứng tỏ họ thương mình. Tiền mình có thể kiếm được không khó nhưng để người ta thương thì khó."

Điều ít ai biết được là trước khi tập trung mở xe bán bánh canh sườn 10 nghìn như hiện tại, anh chị cũng từng làm công việc có thu nhập ổn định. Vợ anh Phương từng là giáo viên của một trường mầm non quốc tế Canada tại TP.HCM. Còn anh Phương làm nhân viên trồng cây xanh cho thành phố.

Chủ quán bánh canh bán vì đam mê, quyết giữ giá 10.000 đồng/tô - 8

Chị Hà tâm niệm, bán rẻ cũng là một cách từ thiện, chia sẻ với người khó khăn (Ảnh: Giảng Vy).

Sau khi quyết định mở bán bánh canh thì xe bánh là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì bán không lời nhiều nên từng có khoảng thời gian anh chị lâm vào cảnh chật vật, thiếu thốn dẫn đến nguy cơ đóng cửa quán. May mắn được nhiều khách quen ủng hộ nên xe bánh canh rẻ nhất Sài Gòn vượt qua được những cơn "bão giá". 

Hiện tại, dù gặp khó khăn khi tất cả các nguyên liệu nấu bánh canh đều tăng giá nhưng vợ chồng anh Phương vẫn quyết tâm giữ mức giá 10 nghìn/tô.

"Tôi hy vọng mọi người có thể yên tâm, dù ít tiền mà đến đây ăn thì vẫn... bao no", chị Ngọc Hà cười xòa. 

Thanh Huyền