Chủ nhà có thể phải "ôm hận" khi làm điều này với người giúp việc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều chủ nhà có thói quen giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc nhà. Hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm, xử phạt đến 15 triệu đồng đối với vi phạm trên.

Đầu tháng 2, Công an Quận 1 (TPHCM) đã bắt giữ bà Hà Thị Kề (62 tuổi) khi đang lẩn trốn ở tỉnh Bình Thuận. Bà Kề là giúp việc nhà cho gia đình ông Lộc (quận 1, TPHCM) từ tháng 5/2021.

Sáng 30/1, bà Kề lên phòng con trai của ông Lộc lục lọi, lấy 100 triệu đồng đem giấu. Biết con trai ông Lộc đi làm đến tối mới về nên Kề không sợ hãi mà tiếp tục làm việc bình thường. Đến buổi trưa, khi ông Lộc nghỉ ngơi thì Kề thu dọn đồ đạc, lấy tiền đã trộm rời khỏi nhà, bắt xe khách bỏ trốn.

Khi con trai ông Lộc đi làm về phát hiện mất tiền, không thấy bà Kề ở nhà, liên lạc không được nên nghi ngờ, trình báo công an.

Do khi bắt đầu làm giúp việc cho nhà ông Lộc, bà Kề không cung cấp giấy tờ tùy thân cũng như thông tin liên lạc với thân nhân nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Công an Quận 1 phải huy động nhiều lực lượng mới phát hiện dấu vết của Kề để truy bắt.

Từ vụ việc trên, Công an Quận 1 khuyến cáo người dân khi tuyển người giúp việc cần xem xét cẩn trọng, đặc biệt là chỉ tuyển người có giấy tờ tùy thân, nắm rõ nhân thân lai lịch rõ ràng.

Tuy nhiên, việc nắm rõ nhân thân của người giúp việc là cần thiết nhưng người thuê giúp việc chỉ được nắm giữ bản sao giấy tờ. Nhiều chủ nhà có thói quen giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc nhà mà không biết hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm.

Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định chi tiết các hình thức xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình.

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình. Đồng thời, khi phát hiện, cơ quan chức năng có trách nhiệm bắt buộc chủ nhà phải trả lại giấy tờ tùy thân cho người giúp việc.

Chủ nhà có thể phải ôm hận khi làm điều này với người giúp việc - 1

Ngoài vi phạm trên, chủ nhà cũng bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu không trả người giúp việc khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Mức phạt tiền cao nhất là từ 50 đến 75 triệu đồng đối với chủ nhà có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người giúp việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo đối với chủ nhà nếu có các vi phạm như: không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú; không thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn việc thuê hoặc dừng thuê người giúp việc…

Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết quy định xử phạt hành chính các vi phạm trong lĩnh vực lao động TẠI ĐÂY.