Chủ nhà chưa nhận lương mới, người giúp việc đã đòi thêm thu nhập
(Dân trí) - Lương cơ sở vừa tăng, tháng lương mới đầu tiên còn chưa nhận, nhiều gia đình ở Hà Nội khóc dở mếu dở khi người giúp việc bỗng đòi thêm thu nhập, chế độ mới.
Xin thưởng, đòi tăng lương
Hơn tuần nay, chị Lương Thị Thu Thảo (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi gọi cả chục cuộc điện thoại cho người giúp việc "đang nghỉ hè" nhưng không thấy nghe máy.
Hai vợ chồng đi làm cả ngày, con nhỏ đứa 6 tuổi, đứa hơn 2 tuổi không có người trông, trong khi ông bà ngoại ở Thái Bình còn ông bà nội thì tuổi cao, sức yếu nên từ ngày có con, với chị Thảo, người giúp việc không thể thiếu với gia đình.
"Gia đình tôi thuê giúp việc với giá 7 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu là trông cháu nhỏ và dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa tối. Thuê giúp việc đã khó, tìm được người gắn bó lâu bền càng khó nên thuê được ai, vợ chồng tôi đều rất tôn trọng, đối đãi tử tế, từ chế độ lương thưởng đến cách ứng xử, đối đáp hàng ngày.
Chẳng hiểu vì sao, đến giờ gia đình vẫn chưa có duyên gặp được một giúp việc "chung tình" như mong muốn", chị Thảo trải lòng.
Chị kể, Tết vừa rồi, để níu chân người giúp việc, vợ chồng chị ngoài thưởng thêm một tháng lương, còn chuẩn bị quà cáp đầy đủ kèm theo 1 triệu đồng gọi là hỗ trợ tàu xe. Vậy mà người này vẫn một đi không trở lại.
"Khi đó, bác giúp việc hứa chắc như đinh đóng cột là mùng 5 Tết sẽ lên, nhưng khi về đến quê, bác ấy đã báo nghỉ việc luôn, với một lý do không biết có nên tin hay không: "Chồng ốm nặng, đau chân lắm phải nhập viện", chị Thảo chia sẻ.
Vẫn kiên nhẫn, chị Thảo nài nỉ người giúp việc cố chăm chồng thêm rồi lên làm sau thì nhận được lời từ chối thẳng thừng: "Chắc cô không lên làm được đâu cháu ạ. Lương thấp lại phải xa nhà. Bà Hà làm cạnh nhà cô, chủ nhà trả lương 8 triệu, thưởng hơn một tháng lương, chưa kể tháng nào cũng có quần áo mới, thẻ điện thoại... mà bà ấy còn không muốn đi làm đấy cháu ạ.
Bảo ra Hà Nội làm ô sin người ta cười. Thôi, cô ở nhà với chú, rau cháo nuôi nhau cho gia đình đoàn tụ. Ông cũng ốm, người yếu lắm".
Ba năm, hơn chục lần tìm người giúp việc, chị Thảo cho biết, phần lớn người giúp việc đều xuất thân từ nông thôn, nhiều người chỉ coi công việc này là tạm bợ. Người xin nghỉ vì có kế hoạch khác hoặc có người chuyển tới gia đình khác vì được hứa hẹn thu nhập cao hơn.
Họ thường không nghe máy, im thin thít và lặn mất tăm sau một kỳ nghỉ, lịch sử lắm thì mới gọi báo nghỉ việc. Cũng có người mặc cả, ở nhà hết Tết, hết tháng, hết mùa cấy, gặt... mới lên.
"Mỗi lần người giúp việc xin nghỉ, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, chẳng còn cách nào khác ngoài chấp nhận móc ví thuê người làm giá cao", chị Thảo thở dài.
Khó khăn lắm đầu tháng 4 vừa qua, vợ chồng chị Thảo mới kiếm được một người giúp việc thường xuyên qua lời giới thiệu của đồng nghiệp cùng công ty. Vừa thở phào chưa được mấy bữa, cuối tuần vừa rồi, người giúp việc của gia đình bỗng dưng báo muốn tăng lương thêm 1 triệu đồng, không thì nghỉ.
"Tôi hỏi lý do thì bác ý bảo 1/7 vừa rồi cô được nhà nước tăng lương nên cũng phải tăng cho tôi chứ", chị Thảo ngã ngửa, bản thân còn chưa được nhận tháng lương mới đầu tiên.
Tăng lương "bonus" chuyến xe về quê đón giúp việc
Cũng cảnh phải "lụy" người giúp việc, thứ 7 vừa rồi, anh Nguyễn Tuấn (phường Trương Định, quận Hoàng Mai) phải chạy ô tô về tận Tuyên Quang để đón osin vì không có người trông con để đi làm.
"Người giúp việc mà "oai" thế đấy, nhà cần người quá nên tôi đành chịu. Con bé con nhà tôi quen với bác giúp việc này rồi, không chịu người khác. Bác giúp việc hẹn về quê 2 ngày rồi đầu tháng lên sớm mà rồi cứ kiếm cớ không bắt được xe, rồi hết tiền đi ô tô... nghỉ đến cả tuần.
Tôi bảo gọi taxi lên hai vợ chồng tôi thanh toán, bác giúp việc cũng không đồng ý. Cuối cùng vừa phải đánh xe về đón, vừa phải... tăng lương", anh Tuấn ngao ngán.
Anh Tuấn chia sẻ thêm, trước khi tìm được người giúp việc hiện tại, vợ chồng anh mất gần 1 tháng chạy đôn chạy đáo tìm người. Biết giúp việc khó thuê, nên khi kiếm được người phù hợp và cam kết gắn bó lâu dài, vợ chồng anh đã rất chiều chuộng.
"Những "yêu sách" mà giúp việc đưa ra vợ chồng tôi đều chấp nhận hết, miễn có người trông con cho đi làm. Dịp này các cháu đang nghỉ hè, không có người giúp việc ở nhà thì không biết xoay xở thế nào", anh Tuấn chia sẻ.
Theo chị Duyên Hà, chủ một trung tâm môi giới giúp việc tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), so với thời điểm trước dịch Covid-19, nhu cầu tìm người giúp việc và nguồn cung gần tương đương nhau.
"Giá thuê người giúp việc bây giờ cũng rất cao, đa số ở mức 6-7 triệu đồng/tháng thậm chí 8 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già. Tìm được người phù hợp, nhiều gia đình cũng không ngại tăng thêm 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng để giữ chân", chị Hà cho biết.
Chị Hà cho biết, mỗi ngày, trung tâm có 10-15 người đến ứng tuyển làm giúp việc. Tuy nhiên, nhiều lần rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi người giúp việc hôm trước hứa hẹn, hôm sau xin nghỉ việc nên không ít gia đình tại Hà Nội tính đến phương án thuê giúp việc theo giờ.
"Giá giúp việc theo giờ trên địa bàn Hà Nội hiện nay dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/giờ, tùy khu vực. Thuê giúp việc theo giờ rẻ hơn giá người ở cùng gia đình theo tháng nên giờ nhiều gia đình lựa chọn để không lệ thuộc vào người giúp việc", chị Hà thông tin.