1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chồng "sống chết" ngăn vợ rút bảo hiểm một lần

Xuân Hinh

(Dân trí) - Khi vợ toan tính rút bảo hiểm một lần để lấy 50 triệu đồng, anh Huệ nhất quyết can ngăn. Với anh Huệ, khi rút bảo hiểm một lần coi như thời gian đóng bảo hiểm trước đây bằng 0, không có lương hưu.

Rút một lần, lo... cả đời

Chồng sống chết ngăn vợ rút bảo hiểm một lần - 1

Nhiều người hối hận khi rút bảo hiểm xã hội một lần và tiêu hết số tiền bảo hiểm chỉ trong thời gian ngắn.

Anh Nguyễn Văn Huệ (quê Nam Định) cùng vợ và hai con vào TPHCM khoảng 2 năm trước, thời điểm dịch Covid -19 bắt đầu phức tạp. Vừa thất nghiệp, lại chưa tìm được việc làm, áp lực kinh tế liên tục đè nặng lên vai chàng công nhân xa quê. Nhiều đêm mất ngủ, anh quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần vì không còn đường "lui".

Với hơn 8 năm tham gia bảo hiểm, anh Huệ nhận gần 50 triệu đồng tiền rút bảo hiểm xã hội một lần. Số tiền này, anh nhanh chóng lo chi phí sinh hoạt cho gia đình nhỏ, trả nợ một ít, số tiền còn lại anh mua thuốc thang cho hai bên nội ngoại. Chẳng mấy chốc, số tiền đã cạn mà khó khăn vẫn bộn bề.

Ban đầu, anh cứ nghĩ sau khi rút bảo hiểm một lần, có tiền trang trải những chi phí cấp bách, cuộc sống sẽ ổn định, ai ngờ "khó khăn càng thêm chất chồng". Tiêu hết tiền từ việc rút bảo hiểm một lần, anh Huệ càng mất ngủ, lo lắng hơn cả lúc trước. 

"Rút bảo hiểm một lần coi như thời gian đóng bảo hiểm lâu nay bằng 0. Lúc đó, vì thất nghiệp và dịch bệnh khiến cuộc sống khó khăn nên tôi làm liều, giờ hối hận thì đã muộn", anh Huệ than thở. 

Khi cuộc sống gia đình lại tiếp tục khó khăn, vợ anh Huệ nghe bạn bè khuyên nên rút bảo hiểm một lần. Số tiền vài chục triệu có thể giải quyết những vấn đề trước mắt. Nhưng anh Huệ nhất quyết ngăn cản.

"Vợ tôi đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội khá dài. Khi vợ định rút, tôi nhất quyết can ngăn, không thể để vợ lặp lại sai lầm của mình. Nhà có hai người thì một người rút bảo hiểm rồi, phần của vợ tôi giữ lại để sau này đi làm, đóng tiếp, về già còn có lương hưu. Già mà không có lương hưu thì cơ cực lắm", anh Huệ bày tỏ.

Chồng sống chết ngăn vợ rút bảo hiểm một lần - 2

Dù bị tai nạn lao động, đời sống khó khăn nhưng anh Chinh vẫn không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Anh Nguyễn Mạnh Chinh - công nhân Công ty TNHH Sửa chữa Đóng tàu Sài Gòn (TP Thủ Đức) bị tai nạn lao động trong khi làm việc. Hiện tại, anh được công ty sắp xếp cho công việc phù hợp và tiếp tục đóng bảo hiểm hằng tháng. 

Anh Chinh có thời gian đóng bảo hiểm trên 12 năm, gia cảnh khó khăn. Bản thân đã mất một mắt do tai nạn lao động nhưng hiện anh vẫn là trụ cột trong gia đình. Vợ anh là giáo viên mầm non nhưng phải nghỉ làm để chăm lo cho gia đình và lo cho hai con ăn học. Nhiều người cảm thương cho hoàn cảnh của anh, cũng khuyên anh nên rút bảo hiểm để trang trải cuộc sống nhưng anh từ chối.

Là công nhân, từng trải qua cảnh tai nạn, anh Chinh thấu hiểu bảo hiểm như bạn đồng hành vì đến nay, hàng tháng, anh vẫn phải đi khám bệnh và điều trị mắt thường xuyên. Nếu không có bảo hiểm, anh và gia đình phải chi phí rất lớn cho việc chữa mắt.

Ngoài chế độ khám chữa bệnh, hiện mỗi tháng, anh cũng nhận được 1,07 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (một nội dung của bảo hiểm xã hội - PV). Với nhiều người, số tiền này không đáng gì nhưng với gia đình anh, đó là khoản hỗ trợ cần thiết để trang trải cuộc sống và thuốc men.

Tỷ lệ rút bảo hiểm một lần giảm

Chồng sống chết ngăn vợ rút bảo hiểm một lần - 3

Tỷ lệ người rút bảo hiểm xã hội một lần ở TPHCM giảm.

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội TPHCM, tỷ lệ rút bảo hiểm một lần trong tháng 6/2022 có chiều hướng giảm so với tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 6 có hơn 9.000 người rút bảo hiểm một lần, giảm 910 người so với tháng 5/2022 và giảm 903 người so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu có tổng cộng 62.467 người rút bảo hiểm một lần tại TPHCM. 

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ rút bảo hiểm một lần của người lao động có chiều hướng giảm. Sở dĩ, người lao động rút bảo hiểm một lần để trang trải khó khăn, nhất là khi dịch bệnh phức tạp.

Để hạn chế rút bảo hiểm một lần, cơ quan bảo hiểm thành phố cũng như doanh nghiệp và ban, ngành đều tuyên truyền sâu rộng đến người lao động về những hệ lụy khi rút bảo hiểm một lần.

Ngoài ra, đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới 10 năm cũng là một giải pháp để hạn chế rút bảo hiểm một lần, giúp người lao động tiếp cận lương hưu sớm hơn.

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để hạn chế rút bảo hiểm 1 lần và đảm bảo cho người lao động được sinh hoạt trong mạng lưới an sinh xã hội thì cần đảm bảo lương tối thiểu đủ sống. Nhiều công nhân đi làm vẫn phải vay nợ hoặc có nợ đến khi không có tiền trả đành rút bảo hiểm một lần để lo nợ và trang trải cuộc sống. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định đóng bảo hiểm cho người lao động là thu nhập của người lao động, không phải mức lương tối thiểu. Như thế về hưu người lao động sẽ đảm bảo cuộc sống, mạng lưới an sinh cũng ổn định hơn. 

Mỗi năm, Viện Công nhân Công đoàn vẫn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động, trong đó có lồng ghép chia sẻ về chính sách, chế độ của bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tác hại của rút bảo hiểm một lần. 

Dương Thùy