Công nhân mừng khi lương tăng, các chế độ bảo hiểm xã hội cải thiện

Xuân Hinh

(Dân trí) - Lương tối thiểu vùng tăng, mức đóng bảo hiểm với người lao động cũng sẽ tăng, các chế độ hưu trí được hưởng cao hơn.

Lương tăng là động lực để làm việc

Công nhân mừng khi lương tăng, các chế độ bảo hiểm xã hội cải thiện - 1

Công nhân được tăng lương từ 1/7.

Chị Nguyễn Thị Lý (công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM) cho biết, lương cơ bản của chị khoảng 4,9 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp đi lại, xăng xe, con nhỏ... gần 1 triệu đồng/tháng. Nếu được tăng ca từ 3 đến 5 ngày/tuần, thu nhập thêm hơn 2 triệu đồng/tháng.

Chị là lao động chính trong nhà vì từ khi dịch bệnh, chồng chị không làm công ty mà chuyển sang làm thợ hồ, công việc lúc có lúc không nên thu nhập bấp bênh. Chị Lý chia sẻ, thu nhập hằng tháng của vợ chồng chị khoảng 12 triệu đồng. Với số tiền này, trước đây, khi giá cả bình ổn, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm cũng vừa đủ, không dư. Nhưng khi vật giá đắt đỏ như hiện nay, gia đình phải cắt khoản này, bớt khoản kia mới xoay xở, tồn tại được ở thành phố.

Về việc được tăng lương từ tháng 7 này, chị Lý bộc bạch, 2 năm qua lương tối thiểu không tăng, lại gặp dịch bệnh đói kém, cuộc sống của công nhân đã rất vất vả. Năm nay, khi có quyết định tăng lương tối thiểu của Chính phủ, công ty chị đã điều chỉnh lương cho người lao động, thêm 300.000 đồng/tháng. Tuy số tiền lương tăng này chưa thể giải quyết hết khó khăn của công nhân nhưng đây là động lực lớn để người lao động làm việc.

"Mấy tháng trước công ty tôi đã tăng 200.000 đồng/tháng, bây giờ lại được điều chỉnh lương theo lương tối thiểu vùng nữa, như vậy tổng cộng thêm được 500.000 đồng/tháng, công nhân chúng tôi mừng lắm", chị Lý cho hay.

Vợ chồng chị Nguyễn Thi mang hai con nhỏ từ Nam Định vào TPHCM lập nghiệp đến nay đã hơn 2 năm. Trước đó, vợ chồng chị làm công nhân nhiều năm ở Hà Nội. Khi vào TPHCM, thời gian đầu hai vợ chồng buôn bán tự do nhưng khi dịch ập đến, cả hai phải bỏ dở công việc. Hết dịch, vợ chồng chị xin vào làm tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân).

Công nhân mừng khi lương tăng, các chế độ bảo hiểm xã hội cải thiện - 2

Mỗi công ty sẽ có mức lương tăng khác nhau.

Khi nghe tin công ty sẽ tăng lương từ 1/7, anh chị thở phào, như trút được một phần gánh nặng áp lực. Mừng vì có thêm tiền để trang trải cuộc sống, thêm nữa là các khoản đóng bảo hiểm tăng, mức hưởng cũng nhiều hơn, hi vọng sau này lương hưu cũng cao hơn. 

"Đi làm, được công ty đóng bảo hiểm, có thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí. Chúng tôi chỉ đóng một khoản tiền nhỏ cho con mua bảo hiểm ở trường. Tính ra, vợ chồng tôi cũng đỡ một khoản chi phí việc lo cho sức khỏe gia đình", chị Thi nói.

Lần nghỉ làm để chuyển vào TPHCM sinh sống vợ chồng anh chị cũng được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp 3 tháng, mỗi tháng hơn 3 triệu đồng để ổn định cuộc sống mới. Nghĩ lại những lúc như thế, chị Thi thấy thật may mắn khi đã tham gia bảo hiểm ở công ty.

Mức đóng bảo hiểm tăng, chế độ hưu trí tăng

Công nhân mừng khi lương tăng, các chế độ bảo hiểm xã hội cải thiện - 3

Người lao động vui mừng vì được tăng các chế độ bảo hiểm.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP (quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động), từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4.680.000 đồng/người/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/người/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/người/tháng; vùng IV là 3.250.000 đồng/người/tháng.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã có thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động về quy định đóng bảo hiểm khi lương tối thiểu vùng tăng. Do đó, doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo nguyên tắc lương đóng bảo hiểm không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Trên cơ sở đó, các chủ sử dụng lao động điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Về tiền lương tháng đóng BHXH, bắt buộc tối đa là bằng 20 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng).

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm TPHCM cho biết, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% (tương ứng tăng 180.000- 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Theo đó tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc cũng có sự điều chỉnh.

Lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức tiền lương thấp nhất, làm căn cứ tính đóng BHXH cũng sẽ tăng lên. Tiền lương đóng BHXH tối thiểu tăng lên, kéo theo các chế độ BHXH sẽ tăng như bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền lương hưu...

Dương Thùy