Chong đèn săn lùng "lộc trời" trong đêm

Nấm mối được sinh ra từ chất thải của loài mối - một loại côn trùng nằm trong đất. Đây là loại thực vật có vị ngọt thanh, chỉ xuất hiện vào mùa mưa nên nấm mối trở nên quý hiếm. Cuối mùa, kẻ bán người mua cùng săn lùng nấm mối…

Bước sang tháng 8 nhưng nhiều nông dân ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú, Bình Phước) vẫn đêm đêm đốt đèn vào rẫy cao su tìm nấm mối. Người dân cho biết đây là loại thực vật mọc tự nhiên chỉ xuất hiện vào mùa mưa, không thể nhân giống nên trở thành hàng hiếm, được nhiều người sành ăn lựa chọn.

Thắp đèn...kiếm nấm

Theo kinh nghiệm của người dân, nấm mối thường xuất hiện vào khoảng tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Sau 6 tháng mùa khô, phân mối ủ một thời gian dài cũng phân hủy và trở nên tơi xốp. Những hạt mưa đầu tiên rơi xuống như chất kích thích, các tai nấm bắt đầu xuất hiện, nhú lên để đón những giọt nước trong lành.

Vì vậy, những tai nấm đầu tiên cũng là tai nấm rất quý. Nấm mối mọc “rộ” nhất thường vào tháng 6, mưa nhiều đất ẩm, tạo điều kiện cho nấm sinh trưởng và phát triển mạnh.

Võ Thành Hiếu nâng niu từng tai nấm mối trong vườn cao su ở xã Tân Hưng
Võ Thành Hiếu nâng niu từng tai nấm mối trong vườn cao su ở xã Tân Hưng

Những thợ “săn” nấm kể rằng, nấm mối mọc trong đêm, lớn nhanh nhưng rất mau tàn. Muốn hái được nấm “búp” thuộc loại ngon nhất, người săn nấm phải chịu khó đốt đèn tìm kiếm trong đêm. Đội mưa, đội sương nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm từ các loại côn trùng như muỗi, rết, bọ cạp và rắn độc, nhưng để có được đặc sản thiên nhiên ban tặng, nhiều “thợ săn” vẫn chấp nhận dấn thân.

“Chúng tôi thường tìm nấm trong đêm khuya, quan sát từng hốc cây, bụi cỏ và dưới từng lớp lá mục. Nấm mối mọc rất kín đáo, phải tinh mắt mới thấy. Đôi khi gặp mưa lại bị muỗi chích phát sốt nhưng vẫn “ham”” - ông Trần Văn Sang (56 tuổi) ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi chia sẻ. Với những người đi săn nấm mối như đánh một canh bạc hên xui. “Bữa nào may mắn trúng ngay ụ nấm thì coi như trúng mùa, kiếm được vài ký lô. Hôm nào xui, cả đêm không kiếm nổi một tai, mỏi mắt tìm nhưng phải ra về tay trắng” - con gái ông Sang nói.

Chị Trần Thị Oanh (23 tuổi) là một trong những “tay” săn nấm mối nhiều năm ở ấp Thạch Màng. Mùa nấm mối, Oanh và những người trong gia đình thường vô rẫy từ 9 giờ tối, muộn thì 11 giờ khuya. Cuộc tìm kiếm kéo dài gần như suốt đêm. Bữa được, bữa thất nhưng cũng là sự an ủi bởi thu nhập từ nấm mối phần nào giúp chị trang trải cuộc sống gia đình. Sắp vô năm học mới, nếu việc tìm kiếm nấm “thắng” thì chị vơi bớt nỗi lo học phí sách vở, đồng phục cho con.

Mùa nấm "hẻo"

Những thợ săn nấm ở Bình Phước cho biết, mấy năm trước nấm nhiều, người hái ít. Nhưng năm nay, người tìm nhiều, nấm lại ít nên việc kiếm nấm khá vất vả. Nhiều người thực sự “đói” ăn trong mùa nấm này. Võ Thành Hiếu (30 tuổi) ở thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) kể về quá trình kiếm tìm nấm mối của mình những năm qua: “Mấy năm vừa rồi, thiên nhiên ưu đãi nên nấm nhiều. Mỗi mùa tụi em cũng kiếm được vài chục ký, có khi cả tạ, nhưng năm nay lượng nấm giảm rất nhiều. Nấm kiếm được chỉ tính trên kilôgam. Dù giá có cao hơn so với năm trước nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu”.

Là thực vật trong thiên nhiên, vị ngon ngọt, giàu dinh dưỡng, nấm mối là món ăn ưa thích được đặt tiệc tại các nhà hàng. Vì vậy, đầu ra không bao giờ thiếu. Võ Thành Hiếu kể tiếp: Nhiều bữa em ở lại trong lô tìm tiếp, còn bạn thì mang hàng ra bán cho người ta. Nấm này được các nhà hàng đặt để làm tiệc đãi khách, có người chuyển nấm lên thành phố bán buôn kiếm lời. “Nấm mối là của trời ban, lộc trời mỗi người hưởng chút” - Hiếu cho biết.

Năm nay, nấm mối khá khan hiếm, mọc thất thường. Riêng tại Bình Phước mọi năm đến đầu tháng 7 hầu như thợ săn nấm mối đều “gác kiếm” nhưng năm nay mọi người vẫn lai rai kiếm sống nhờ lộc trời. Chị Trần Thị Oanh đã nghỉ kiếm nấm cả nửa tháng nay. Vậy mà, mấy ngày trước chị vô rẫy cao su vô tình thấy mấy tai nấm, lần theo chị kiếm được gần kilôgam. Biết nấm vẫn còn nên mấy đêm nay chị và chồng thức cả đêm kiếm nấm. Có đêm, vợ chồng chị hái được 2,4kg. Sáng sớm, chị chở con trai từ Thạch Màng ra thị xã Đồng Xoài bán, gặp được khách mua sỉ với giá 350 ngàn đồng/kg.

Món ngon từ thiên nhiên

Hái nấm mối phải có “duyên”. Chế biến nấm mối cũng phải biết cách mới tạo ra những món ăn ngon, mê hoặc lòng người. Chẳng thế mà nhiều người cứ háo hức đợi mùa mưa để được ăn nấm mối. Nấm vừa hái làm sạch đất nhưng phải thật nhẹ tay kẻo bị giập, mất đi độ ngọt. Nấm ngon nhất khi vừa mới hái về, lúc này người ta có thể chế các món dân dã như đổ bánh xèo, xào muối ớt, nấu cháo... Vị ngọt thanh của nấm hòa quyện cùng vị thơm ngậy của gạo tạo nên một nồi cháo thơm ngon, bổ dưỡng. Nấm mối xào ớt cũng trở thành dĩa mồi ngon ưa thích để các gia đình sum tụ bên nhau trong mùa mưa.

Với những người “sành” ăn, nấm mối ngon nhất là khi mới nở, nhưng ngon hơn cả là củ mối. Nấm củ rất hiếm, thường cuối mùa mới xuất hiện. Hương vị nấm củ đậm đà hơn, ngon hơn hẳn nấm tai. Tuy nhiên, những ai có “duyên” săn được củ mối sẽ “bớt duyên” săn được nấm tai vào mùa sau. Vì vậy, thợ săn nấm mối không ưa tìm củ, bởi họ để dành duyên tới mùa nấm mối năm sau!

Theo Danviet.vn