Chính thức chọn ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, ghi nhận vai trò to lớn của nghề Công tác xã hội trong đời sống dân sinh tại Việt Nam. Trước đó, thời điểm kỷ niệm nghề Công tác xã hội vẫn được tổ chức là ngày 11/11 hàng năm.


Nhân viên CTXH trợ giúp người khuyết tật

Nhân viên CTXH trợ giúp người khuyết tật

Bên cạnh việc công nhận “Ngày công tác xã hội Việt Nam” là ngày 25/3 hàng năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của Nghề.

“Ngày công tác xã hội Việt Nam” còn là sự kiện tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Nhận định của các chuyên gia lĩnh vực an sinh xã hội, nghề công tác xã hội “thâm nhập” và có vai trò quan trọng ở nhiều góc cạnh của cuộc sống, như: Bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các thành viên trong gia đình giải quyết xung đột, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người già và người khuyết tật...

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có số người cần trợ giúp các dịch vụ CTXH lên tới 28% dân số, trong đó 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện...

Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề CTXH chỉ được biết đến trong 10 năm gần đây.

Theo ông Tô Đức, Cục Phó Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội, trong đó hơn 80% nhân lực chưa được đào tạo chuyên môn.

“Sự phát triển kinh tế làm xuất hiện khoảng cách giàu nghèo. Người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu. Bên cạnh những vấn đề do di chứng chiến tranh, nhiều vấn đề phát sinh: Nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn...Đòi hỏi sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp” - ông Tô Đức nói về sức ép về công việc đối với nhân viên công tác xã hội.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho biết, về góc độ pháp lý, lĩnh vực công tác xã hội cần một khoảng thời gian để hoàn thiện những quy định về nhiệm vụ, vai trò của nhân viên khi tham gia các dịch vụ công tác xã hội.

“Không ít ngành, cấp và người dân còn chưa hiểu nhiều về ngành công tác xã hội, nhiều người chưa “nhận dạng” được công việc của nhân viên công tác xã hội là gì, làm gì và ở đâu, sự khác biệt giữa nghề công tác xã hội với hoạt động từ thiện…” - ông Tô Đức nói.

Hoàng Mạnh