Chính sách bảo hiểm y tế với thân nhân người có công

Bạn đọc Nguyễn Thu Hằng ở xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hỏi:

Là con thương binh hạng 4/4, tôi được biết có chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với vợ, con thương binh. Vậy, xin tòa soạn cho biết chính sách đó được quy định như thế nào?


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trả lời

Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điểm i và k, Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của liên Bộ Y tế-Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, nhóm thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT bao gồm:

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;

- Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ thân nhân của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ), bao gồm:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

+ Con đẻ từ trên 6 tuổi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bố của bạn là thương binh 4/4 nên thân nhân không thuộc diện được Nhà nước mua thẻ BHYT. Các trường hợp thuộc một trong các đối tượng theo quy định trên thì liên hệ với cơ quan lao động-thương binh và xã hội địa phương nơi quản lý người có công với cách mạng, để được hướng dẫn bổ sung thủ tục cấp thẻ BHYT cho thân nhân của gia đình.

Theo Báo QĐND