Giải đáp một số thắc mắc về chế độ thai sản
Trợ cấp thai sản được chuyển trả cho doanh nghiệp hay người lao động? Có được giải quyết chế độ thai sản trong thời gian nghỉ phép năm? Trợ cấp thai sản có phụ thuộc vào đóng BHXH liên tục hay gián đoạn? Có làm bổ sung chế độ thai sản được không?... BHXH Việt Nam vừa giải đáp loạt thắc mắc xung quanh vấn đề này.
Trợ cấp thai sản được chuyển cho DN hay người lao động?
Bà Minh Thu hỏi, khi làm hồ sơ điện tử đề nghị hưởng trợ cấp thai sản thì tiền trợ cấp đó sẽ được chuyển trực tiếp đến người được hưởng hay chuyển về công ty?
BHXH Việt Nam trả lời: Tại Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (mẫu 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN hướng dẫn ghi tại Cột C (Hình thức nhận trợ cấp): Ghi số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh nơi người lao động mở tài khoản; trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân thì bỏ trống.
Cơ quan BHXH căn cứ nội dung tại Cột C trên mẫu 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động đề nghị để chi trả trực tiếp đối với người lao động có tài khoản cá nhân hoặc chuyển kinh phí cho đơn vị sử dụng lao động để chi trả cho người lao động không có tài khoản cá nhân ghi trong Danh sách 01B-HSB.
Có được chế độ thai sản trong thời gian nghỉ phép năm?
Ông Nguyễn Hồng hỏi: Vợ tôi là giáo viên bị sảy thai 6 tuần tuổi, bác sĩ cho giấy ra viện nghỉ 20 ngày từ ngày 15/6 trùng ngày nghỉ hè, vậy vợ tôi có được hưởng chế độ sảy thai và chế độ dưỡng sức sau sảy thai không? Thủ tục gồm những gì?
BHXH Việt Nam trả lời: Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo thời gian nghỉ hè là thời gian nghỉ phép hàng năm, thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Điểm 1.2 Khoản I Công văn số 4831/LĐTBXH-BHXH ngày 17/11/2017, trong thời gian người lao động nghỉ phép hàng năm không giải quyết chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33 và chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật BHXH năm 2014.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp của vợ ông bị sảy thai 6 tuần tuổi, giấy ra viện nghỉ 20 ngày từ ngày 15/6 trùng với ngày nghỉ hè nên vợ ông không được giải quyết hưởng chế độ thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Có phụ thuộc vào đóng BHXH liên tục hay gián đoạn?
Bà Nguyễn Thịnh đóng BHXH từ tháng 7/2018 đến hết tháng 5/2019, sau đó nghỉ việc và bị gián đoạn tháng 6 và 7/2019 không đóng BHXH. Tháng 8/2019 bà tiếp tục tham gia BHXH. Nếu dự sinh ngày 16/2/2020 thì bà có được hưởng chế độ thai sản không?.
BHXH Việt Nam trả lời: Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Do bà không nêu cụ thể bà tiếp tục đóng BHXH đến thời điểm nào nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể đối với bà. Trường hợp của bà nếu tại thời điểm sinh con, bà đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì bà được hưởng chế độ thai sản khi con (không phụ thuộc vào việc bà đóng BHXH liên tục hay gián đoạn).
Có làm bổ sung chế độ thai sản được không?
Bà Nguyễn Hạnh hỏi: Cơ quan tôi có 1 nhân viên có vợ sinh con đến nay được 1 năm. Trong thời gian vợ của nhân viên này sinh con, tôi không biết nhân viên này cũng được hưởng chế độ thai sản là 2 tháng lương cơ sở. Vậy giờ tôi có làm bổ sung chế độ được không?
BHXH Việt Nam trả lời: Điều 38 Luật BHXH và khoản c Điểm 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về việc thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014 quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH hoặc mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, nếu nhân viên tại Công ty bà đủ các điều kiện theo quy định thì bà lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH nơi công ty bà đóng BHXH để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan BHXH có hệ thống đối soát thông tin người hưởng các chế độ BHXH. Trường hợp nhân viên của bà kê khai không đúng thông tin về việc hưởng chế độ thai sản của người vợ thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Có được tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản?
Bà Đinh Hương Giang tham gia BHXH ở công ty từ tháng 6/2019, dự kiến sinh con vào tháng 1/2020. Do sức khoẻ và công việc áp lực nên bà dự tính hết tháng 11/2019 tôi sẽ xin nghỉ việc. Vậy bà Giang có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu được thì tự bà ra cơ quan BHXH làm thủ tục được không?
BHXH Việt Nam trả lời: Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của bà nếu bà thực sự làm việc và đóng BHXH từ tháng 6/2019 đến tháng 11/2019 và sinh con vào tháng 1/2020 thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con bà có 6 tháng đóng BHXH. Bà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Không đóng liên tục BHXH thì có được trợ cấp thai sản?
Ông Trần Giang hỏi: Khi vợ tôi sinh con, tôi không đóng đủ liên tục BHXH thì tôi có được hưởng lương nghỉ việc chăm con không? Ông Giang đóng BHXH được 10 năm, tuy nhiên trước khi vợ ông sinh con có bị gián đoạn 1 tháng không đóng nên không liên tục trong 6 tháng.
BHXH Việt Nam trả lời: Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam là: “Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp của ông nếu tại thời điểm vợ ông sinh con ông có đóng BHXH thì ông được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.
Vợ của ông Nông Tuấn Anh không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, vì là giáo viên hợp đồng, nên thời gian tham gia BHXH bị ngắt quãng bởi 3 tháng hè. Tuy nhiên, ông tham gia BHXH được 2 năm 9 tháng và đóng đều liên tục. Vợ ông dự kiến sinh vào tháng 12/2019, vậy ông có được hưởng chế độ thai sản không?
BHXH Việt Nam trả lời: Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam là: “Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con”.
Điều 38 Luật BHXH và khoản c Điểm 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về việc thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014 quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH hoặc mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu tại thời điểm vợ ông sinh con ông đang đóng BHXH thì ông được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH như sau: “5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc”.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Trường hợp vợ ông tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì ông được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
Mức hưởng trợ cấp thai sản thế nào?
Bà Mai Thu làm tại công ty và đóng BHXH từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2019 với mức lương đóng là 6,5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 7/2019, công ty lại tính tiền đóng bảo hiểm trên lương của bà chỉ có 4,5 triệu đồng. Đến ngày 20/2/2020 bà nghỉ thai sản thì mức hưởng của bà sẽ là bao nhiêu?
BHXH Việt Nam trả lời: Điều 39 Luật BHXH quy định mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng một ngày đối với trường hợp lao động nữ đi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia 24 ngày.
Theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu bà đóng BHXH liên tục đến hết tháng 2/2020 với mức lương 4,5 triệu đồng thì mức hưởng trợ cấp thai sản của bà là: 4.500.000 x 6 = 27.000.000 (đồng).
Ngoài ra, bà được nhận thêm trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH, cụ thể bằng: 2 x 1.490.000 = 2.980.000 (đồng).
Theo Chinhphu.vn