1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chất lượng lao động: Khủng hoảng thiếu- thừa

(Dân trí) - Phần lớn lao động Việt Nam thiếu kỹ năng và trình độ cao trong chuyên môn. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc trước dự định tham gia đầu tư, sản xuất tại thị trườngViệt Nam.

Đó là kết quả điều tra do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) vừa công bố. Phát biểu tại cuộc hội thảo do Viện này tổ chức, ông David Arless, Chủ tịch tập đoàn Manpower (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ việc làm, tuyển dụng nhân sự cho các công ty, các tập đoàn kinh tế trên thế giới...) cho biết: Kết quả điều tra cùng với Viện KHLĐ&XH tại 10 doanh nghiệp (DN) đang sử dụng lao động Việt Nam lớn nhất cho thấy 1/2 DN phàn nàn chất lượng lực lượng lao động họ đang sử dụng chưa tốt và rất khó trong việc tìm được đủ số lao động có kĩ năng cần thiết. Có đến 2/5 giám đốc điều hành cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển lao động, nhất là “lao động chất lượng cao tại 4 trong tổng 6 nhóm nghề chính: lao động giản đơn, quản lý, kỹ sư và lao động có kỹ năng đơn giản như dịch vụ khách hàng, kỹ thuật viên các công ty.

 Cuộc điều tra cũng cho thấy, khoảng 1/4 DN cho rằng lao động VN chưa quan tâm tới chất lượng công việc và thiếu kỹ năng giao tiếp. Chỉ có khoảng 15% lao động “thực sự gắn bó với DN của mình”, số còn có chất lượng làm việc tốt hơn nhưng lại sẵn sàng bỏ đi ở môi trường khác tốt hơn. Cùng kết quả điều tra tại các nước trong khu vực châu Á đã cho thấy lao động Việt Nam nằm trong nhóm chất lượng thấp nhất của khu vực.

Không chỉ có lao động thiếu hụt kỹ năng làm việc mà ở cấp quản lý tình trạng tương tự cũng diễn ra. Điều tra cho thấy, nhiều người ở vai trò quản lý nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý chung và đặc biệt nhất là yếu về ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết về tài chính và khả năng sáng tạo... Trong khi nó đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của DNtrong quá trình cạnh tranh trên thị trường.
 
Đối với khu vực lao động kỹ thật, khá nhiều DN đưa ra phàn nàn về vấn đề lao động bản địa thiếu ý thức trong việc duy trì một môi trường làm việc an toàn và sạch sẽ, yếu về tiếp thu và áp dụng các thông tin mới. Họ cũng thiếu nghiêm trọng kiến thức về quy trình an toàn và vệ sinh lao động trong ngành chế biến thực phẩm, thiếu hụt cao về khả năng thích ứng công nghệ và an toàn vệ sinh lao động trong ngành dệt...
Chất lượng lao động: Khủng hoảng thiếu- thừa - 1
Nhiều DN trong nước vẫn "khát" lao động chất lượng cao. (Ảnh minh họa)  
 
Tuy đưa ra những yếu điểm của lao động Việt Nam, các DN vẫn phải thừa nhận họ vẫn chấp nhận sựthiếu hụt về chất lượng để bù cho vấn để chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết họ đã lường trước khó khăn từ việc chi phí thấp, kỹ năng thấp sẽ làm chậm quá trình phát triển của chính mình.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng đây là thực trạng đáng báo động đối với chất lượng lao động ở VN. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay, các DN nước ngoài sẽ càng thêm cân nhắc khi bỏ vốn đầu tư, sản xuất vào quốc gia nào đó. Với những nhược điểm về nhân lực, Việt Nam sẽ mất điểm trước những đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn mạnh như Trung Quốc, Thái La, Philippin...

“Kỹ năng lao động làm việc chỉ là “phần ngọn”, trong khi “phần gốc” là thời gian các em ngồi trên ghế nhà trường cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm, chỉ có 300.000 em học tiếp đại học, còn lại sẽ vào trường dạy nghề và trung cấp nghề. Thế nhưng, số trường này đâu có nhiều. Thêm vào đó là sự thiếu hụt về trang thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy và giáo viên có tay nghề cao…”- ông Ngọc nói

Theo ông David Arless, hệ thống giáo dục VN phải khắc phục tình trạng trên, tăng đầu tư cho các trường dạy nghề nhiều hơn nữa nếu muốn có thêm nhiều DN vào đầu tư. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng phải đánh giá cẩn thận hơn nhu cầu của mình và điều chỉnh chiến lược đào tạo nhân viên.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, sắp tới Viện sẽ cùng với Tập đoàn Manpower tiếp tục khảo sát 100 Cty hàng đầu đang đầu tư tại VN nhằm tìm hiểu lĩnh vực được các DN quan tâm nhất hiện nay. Đồng thời sẽ đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý để có thể cải thiện chất lượng lao động VN.

P. Thanh