Chấp nhận nghề dễ, lương thấp không tốt với người lao động, DN, nền kinh tế

An Linh

(Dân trí) - Theo GS.TS Hoàng Văn Cương, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, cơ cấu nhân công giá rẻ, lao động giản đơn, thu nhập thấp cần sớm thay đổi...

Chia sẻ với PV Dân trí GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, hiện tượng công nhân nhiều nơi ngừng việc là bởi nền kinh tế Việt Nam mới trải qua thời gian ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và đang bắt đầu phục hồi trở lại, cần thêm thời gian để ổn định. 

"Tất cả mọi người đều phải thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp cũng cố gắng gượng dậy, sau thời gian dài chịu đựng ảnh hưởng của đại dịch, đình công giai đoạn này nên tình hình khó khăn chung", ông Cường cho biết.

Chấp nhận nghề dễ, lương thấp không tốt với người lao động, DN, nền kinh tế - 1

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Theo vị đại biểu Quốc hội này, có thể thấy, các cuộc ngừng việc tập thể vừa qua, công nhân đều than phiền mức lương thấp, các khoản phụ cấp để gia tăng thu nhập bị cắt giảm... 

"Về mức lương, đúng là công nhân khó sống với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng, nhất là khi giá cả và nhiều chi phí sinh hoạt của gia đình, việc học tập của con cái đang khá cao. Thu nhập thấp thì người lao động khó gắn bó với công ty, doanh nghiệp được. Lương thấp, người lao động khó tận hiến, khó có trách nhiệm cao trong công việc, tài sản doanh nghiệp", ông Cường nhận định.

Ông cũng phân tích, người lao động ngừng việc không phải vì được trả lương thấp một cách đột xuất mà là cả quá trình, thời gian dài, không phải đợt Tết mà doanh nghiệp trả lương thấp.

Tháo gỡ vướng mắc, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp cần lên tiếng, đối thoại, cơ quan công đoàn cũng phải kịp thời đứng ra giải quyết các vấn đề phát sinh giữa doanh nghiệp với người lao động. Vai trò của công đoàn rất quan trọng trong những trường hợp này, cần phải có tiếng nói từ sớm.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, GS Cường cho rằng: "Doanh nghiệp cũng phải gắng gượng vượt qua khó khăn của đại dịch. Vừa qua, họ xoay xở để có đơn hàng, công ăn việc làm cho lao động cũng là cố gắng rồi. Vì vậy, ở những nơi người lao động có thu nhập ổn định, hai bên cần chia sẻ, cảm thông và cùng cầu thị ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp có lợi với cả hai bên. Còn những nơi doanh nghiệp có mức trả lương, phụ cấp thấp, càng cần xem xét kiến nghị, tâm tư của người lao động vì chắc hẳn người lao động không thích gì việc đình công, cực chẳng đã mới phải làm vậy".

Thực tế, khi doanh nghiệp thiệt hại, tổn thất thì đại dịch cũng ảnh hưởng lớn đến người lao động, đến cuộc sống của gia đình họ. Nên để khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh tế, cần giải quyết vấn đề thu nhập cho công nhân một cách thỏa đáng để đảm bảo người lao động đủ sống, tái tạo sức lao động.

Theo GS Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp không thể sử dụng mãi lao động giá rẻ bởi khi chi phí cho người lao động tăng lên thì những mô hình sản xuất như thế không thể vận hành ổn được.

"Việt Nam có nền kinh tế mở, Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đó là áp lực thúc đẩy doanh nghiệp phải tính đến việc sử dụng máy móc, robot vào quy trình, dây chuyền sản xuất của mình. Việc lao động giá rẻ bị thay thế bởi máy móc không hề xa xôi mà đã hiện diện ngay hiện tại", ông Cường cảnh báo.

Theo vị chuyên gia này, với những vấn đề sử dụng lao động hiện nay, sớm muộn gì các doanh nghiệp cũng sẽ tính đến chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất bằng máy móc, robot.

Chấp nhận nghề dễ, lương thấp không tốt với người lao động, DN, nền kinh tế - 2

Theo GS Hoàng Văn Cường, đối thoại để giải quyết quyền lợi của người lao động, cân đối lợi ích của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng (Ảnh Hoàng Lam).

"Chúng ta không thể vui mãi với lợi thế về lao động giá rẻ. Bản thân mỗi người lao động cũng phải tự nâng cao tay nghề, chất lượng và năng suất làm việc của mình, đừng mãi vui vẻ với mức lương thấp, nghề dễ, công việc quá đơn giản, có mức lương eo hẹp, tạm đủ sống. Việc chấp nhận nghề đơn giản, lương thấp không tốt cho bản thân người lao động, cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế", GS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.