Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre

Bình Minh

(Dân trí) - Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở Hà Nội, anh Nguyễn Mạnh Cường quyết định bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre, cây luồng của xứ Thanh, doanh thu mỗi năm khoảng 4 tỉ đồng.

Sau khi đã trải qua nhiều công việc ở phố thị, năm 2007 vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1983, quê Hà Trung, Thanh Hoá) đã quyết định về quê lập nghiệp.

Vốn sinh ra ở nông thôn nên anh Cường nhận thấy quê nhà có nguồn nguyên liệu dồi dào từ tre, luồng. 

Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre - 1

Vốn sinh ra ở nông thôn nên anh Cường nhận thấy quê hương mình có nguồn nguyên liệu dồi dào từ tre, luồng. 

Trước thực tế xu hướng người tiêu dùng sẽ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, chàng trai 8x đã quyết định khởi nghiệp từ loại cây quen thuộc này.

Ban đầu, anh Cường khởi nghiệp từ việc sản xuất đũa tre, tăm bông, tăm tre, bán cho các cửa hàng ăn uống, quán tạp hóa nhỏ lẻ tại địa phương.

Tuy nhiên các sản phẩm tăm, đũa tre là những sản phẩm sơ chế thô sơ, giá trị gia tăng lợi nhuận không cao, điều đó thôi thúc anh tìm hướng đi cho các sản phẩm từ tre, luồng mà mang lại kinh tế cao hơn.

Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre - 2

Tre, luồng rất dễ bị mối mọt, nhưng nếu trải qua các công đoạn gia công sẽ trở nên bền vững, có tuổi thọ rất tốt.

Sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, năm 201, anh Nguyễn Mạnh Cường mạnh dạn vay mượn đầu tư gần 20 tỉ đồng để mua dây chuyền sản xuất với đầy đủ hệ thống máy cắt luồng, chẻ luồng, máy vót nan thô, máy bào nan tinh, máy lăn keo, máy ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt...

Nhà máy sản xuất của chàng trai 8x xứ Thanh nổi tiếng với 4 nhóm sản phẩm: Ván lát sàn, đồ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...), đồ bếp gia dụng (thớt, thìa, muỗng...), hàng thủ công mỹ nghệ (khay, hộp...).

Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre - 3

Công ty của chàng trai 8x này đã tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

“Tre, luồng rất dễ bị mối mọt, nhưng nếu trải qua các thao tác gia công thì sẽ trở nên bền vững, có tuổi thọ rất tốt. Ngoài phương pháp thủ công là phơi, sấy ra, mình phải làm thêm công đoạn hấp nguyên liệu nữa để bảo đảm sản phẩm đưa vào sử dụng bền hơn” - anh Cường chia sẻ.

Giờ đây khi đã trở thành ông chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp đồ nội thất từ tre, luồng cao cấp cho các dự án chung cư, nhà hàng, khách sạn, resort và các công trình lớn trên cả nước, doanh thu của công ty đạt 4 tỷ đồng/năm. Công ty đang tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre - 4

Cô Kim Hoa cho biết, ở độ tuổi như cô nhiều công ty không nhận tuy nhiên cô được tạo điều kiện làm việc ở đây với thu nhập rất ổn định 

Cô Kim Hoa, công nhân của nhà máy, đã gắn bó với công ty được 3 năm. Ở độ tuổi ngoài 40, cô rất khó đi làm ở các nhà máy xí nghiệp khác. Nhưng ở đây, những người lao động như cô Hoa được tạo điều kiện để làm việc và có mức thu nhập ổn định.

Hiện tại, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình, nhà hàng nhỏ lẻ, nhà máy sản xuất của chàng trai 8x xứ Thanh còn gia công cho các nhà phân phối để xuất khẩu đi nước ngoài.

Tuy thành công là vậy nhưng anh Nguyễn Mạnh Cường, vẫn luôn trăn trở một điều với quy mô sản xuất nhà máy của mình mới chỉ đạt 25% công suất thiết kế. Chính vì những khó khăn về tài chính mà anh phải đành lòng thu hẹp sản xuất. 

Với vùng nguyên liệu dồi dào của cây tre xứ Thanh nhưng mỗi năm mới tiêu thụ hết có 3.000 tấn tre, luồng các loại. Sản phẩm trực tiếp sản xuất nhưng lại chưa đến tay trực tiếp người tiêu dùng mà phải qua nhiều khâu trung gian. Chính vì điều đó, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, đó cũng là điều mà anh Cường không khỏi trăn trở.

Chàng trai xứ Thanh bỏ phố về quê làm giàu từ cây tre - 5

Nhà máy sản xuất của chàng trai 8x xứ Thanh nổi tiếng với 4 nhóm sản phẩm: Ván lát sàn, đồ nội thất (bàn, ghế, giường, tủ...), đồ bếp gia dụng (thớt, thìa, muỗng...), hàng thủ công mỹ nghệ (khay, hộp...)

“Nếu như nhà máy, hay công ty của đơn vị mình hay bất cứ một doanh nghiệp nào đi từ khâu sản xuất ban đầu đến thành sản phẩm thân thiện môi trường mà đón nhận được sự hỗ trợ chính sách của chính quyền cũng như sự hỗ trợ gói vay ngân hàng để đầu tư chính là điều tuyệt vời nhất. Như vậy doanh nghiệp cũng như sản phẩm làm nên có đủ “sức đề kháng” thâm nhập vào những thị trường cũng như không ngại cả những thị trường khó tính như Châu Âu, Châu Mỹ...”- anh Cường nói.