Chàng trai Việt làm giàu bên nước bạn Lào
Đi lên từ nghiệp võ nhưng không hiểu niềm yêu thích nông nghiệp ngấm vào con người Ngô Sĩ Đạt từ lúc nào, rồi trở thành một niềm đam mê thôi thúc không ngừng đưa anh đến những bến bờ hoàn toàn mới. Hiện với hơn 10ha đất đai “đẹp như mơ” tại tỉnh Xieng Khoảng (Lào), Đạt đang có những trải nghiệm thú vị ở đây...…
Súng gươm vứt bỏ lại hiền...
Gặp Ngô Sĩ Đạt, tôi cứ có một liên tưởng đến một chiến binh của nghĩa quân Đề Thám xưa. Cái chất nắng gió, phong trần, cách nói chuyện khảng khái nhưng rất hấp dẫn và sự quyết tâm luôn nhìn thấy trong từng ánh mắt, cử chỉ. Với con người ấy, không có gì là lạ khi tuổi thơ đã gắn bó với thể thao.
Ngày đi học cấp 2, Đạt đặc biệt say mê học bắn súng, học võ thuật. 15 tuổi, thấy trên tivi có chương trình tuyển sinh tập võ thuật (tán thủ) không mất tiền của một đơn vị bộ đội, Đạt đến xin vào học. Thể hình tốt, khả năng xử lý tình huống thông minh và cần mẫn luyện tập, Đạt nhanh chóng trở thành một vận động viên của CLB quyền anh Hà Nội.
Hơn một năm sau, Đạt giành huy chương Đồng tại một giải thể thao cấp quốc gia tổ chức tại Hải Phòng và trở thành vận động viên quốc gia, được triệu tập để huấn luyện đi thi đấu trong một số giải cấp quốc gia và khu vực tổ chức tại Việt Nam nhưng không đạt nhiều thành tích cao nữa. Anh bất ngờ xin rút hoàn toàn khỏi thể thao, một quyết định khiến cho không ít huấn luyện viên gạo cội tỏ ra tiếc nuối.
Bỏ võ, Đạt đi bán quần áo giúp một người chị ở Hà Nội. Nhưng nghề mới này không giữ được chân Đạt quá hai tháng. Tình cờ xem trên tivi, thấy người dân trồng gấc mang lại hiệu quả cao. Ngẫm nghĩ tới việc nhà mình còn vài hecta đất nông nghiệp của bố mẹ ở Vĩnh Phúc chưa sử dụng vào việc gì lớn, Đạt xin nghỉ việc và về quê xin bố cho làm... nông dân.
Ban đầu, chẳng có ai đồng ý với quyết định này của Đạt nhưng rồi thuyết phục mãi mọi người cũng đành gật đầu. Đạt bắt đầu với nghề nông như thế...
Tìm hướng đi trong “thế giới phẳng”
9 năm làm bạn với cây gấc đã cho Đạt khá nhiều kinh nghiệm, tiền bạc và cả những đắng cay do thất bại. Bây giờ ngoài trang trại ở Vĩnh Phúc, Đạt còn đầu tư về trang trại của gia đình ở xã Đông Sơn (Yên Thế). Về nhà Đạt có thể thấy đủ các loại cây quả với nhiều cách thức trồng độc đáo. Nhưng Đạt chưa muốn dừng lại ở đó. Anh dành dụm tiền đi một số nơi trên thế giới để xem cách các nước làm nông nghiệp.
Dù mới 30 tuổi nhưng dấu chân Đạt đã đặt lên các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia... facebook của anh có nhiều bạn mới qua những cuộc đi như thế. Đạt tự học thêm tiếng Anh để giao lưu với các bạn, tìm hiểu thêm thông tin về những sản vật nông nghiệp ở nhiều nước và cơ hội nhân rộng ở ngay trên trang trại nhà mình. Đã có lúc, trang trại nhà Đạt có đến hàng trăm cá thể gà quý được nhập từ Nhật Bản, Châu Âu, Thái Lan...
Rồi Đạt lại mê trồng gừng trên giá thể bởi đây là hướng đi nhiều nước đang áp dụng bởi tiết kiệm được phân bón, tập trung được hữu cơ nuôi cây, dễ kiểm soát dịch bệnh...
Thời gian gần đây, lại nghe nói Đạt bỏ trang trại ở nhà sang tận Lào làm ăn khiến tôi không khỏi háo hức. Gọi điện, Đạt nói đầy hào hứng về những dự định nơi miền đất mới và mời chúng tôi qua thăm.
Đạt chia sẻ: “Em thấy Việt Nam là nước có ngành nông nghiệp phát triển lâu đời nên đất đai, không khí, nước... có thể không còn giữ được những bản chất tốt đẹp nhất. Trong khi đó, nông nghiệp Lào mới phát triển trong những năm gần đây, môi trường sạch không có nhiều khu công nghiệp, không có nhiều khí thải, chất thải nguy hại... cho cây trồng nên có thể là một nơi lý tưởng cho việc sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nên đã quyết định chọn nơi đây để thực hiện những ý tưởng của mình”.
Người bạn mới trên đất Lào
Có dịp đi công tác đến cửa khẩu Nậm Cắn, tôi được nhìn tận mắt nông trại trong mơ của Đạt, cách trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng chừng 20km. Đó là một vùng đất tương đối bằng phẳng, dân cư thưa thớt và còn khá nguyên sơ, có độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển. Khí hậu trong lành và được ví như Đà Lạt của Việt Nam. Theo đánh giá của Đạt, chất đất ở đây khá tốt và phù hợp với nhiều loại rau, củ, quả.
Tuy nhiên, khó khăn ban đầu là trên mảnh đất màu mỡ ấy luôn ẩn chứa những hiểm nguy chết người. Đó là hàng tấn bom mìn vẫn còn rải rác đâu đó. Đạt phải thuê lực lượng công binh đến rà phá hết bom mìn rồi mới bắt đầu yên tâm làm ăn. Đạt trồng nhiều giống rau, củ quả mới lạ sưu tầm được qua những chuyến đi trước đây và mải mê ngắm nhìn chúng lớn lên hàng ngày.
Bên cạnh đó, Đạt nhờ nhiều bạn bè ở các vùng khác nhau để thử nghiệm những giống cây mới để có thêm nhiều kết quả đối chứng ở nhiều địa bàn khác nhau. Đạt tâm sự: Điều quan trọng nhất trước khi quyết định đầu tư ở đây là sự nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương bản địa. Mỗi khi có công việc gì, lãnh đạo xã, thôn đều đến tận nơi, thăm hỏi tận tình và cùng hỗ trợ giải quyết các khó khăn của Đạt.
Đặc biệt, huyện còn cử hẳn một cán bộ chuyên ngành nông nghiệp giúp đỡ về kỹ thuật cho Đạt. “Chính quyền và người dân ở đây cũng mong muốn mình sẽ thành công để làm giàu cho vùng đất này và quan trọng hơn là qua đó thay đổi nhận thức của người dân về cách làm nông nghiệp”, Đạt nói. Chính vì vậy, Đạt có thêm niềm tin và sự quyết tâm vào công việc mình đang làm. Anh mua thêm máy móc, trang bị hệ thống tưới tự động, tưới phun sương cho toàn nông trại.
Đạt không giấu giếm về tham vọng của anh trên vùng đất này đó là sẽ triển khai những giống cây mới, lạ, những sản phẩm trái mùa tiêu thụ ở Lào và xuất khẩu về Việt Nam. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia từ Nga, năm nay Đạt bắt đầu trồng thử nghiệm củ cải đỏ khổng lồ. Đây được coi là loại thực phẩm mang lại hiệu quả cao với trọng lượng đạt khoảng 2kg/củ.
“Thời tiết ở đây cũng giống như ở Đà Lạt của Việt Nam, rất thuận lợi cho việc trồng rau, củ quả. Hơn nữa, người dân ở đây rất tốt bụng, việc thuê nhân công cũng rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều là những lợi thế để em triển khai chương trình này. Dự kiến, trong tết nguyên đán này em sẽ có khoảng 200 tấn củ cải đỏ. Hiện em đã liên hệ với nhiều đơn vị thu mua để bao tiêu toàn bộ số sản phẩm này”, Đạt chia sẻ.
Chia tay người đồng hương trẻ trên đất Triệu Voi trong bữa ăn ấm cúng giữa trang trại của anh với nhiều quan chức địa phương cùng dự, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc mối quan hệ cởi mở, thân thiện của người dân nơi đây với Đạt.
Cùng ngồi trên những chiếc chiếu cói, với những món ăn được làm từ chính những sản phẩm trên cánh đồng trước đây còn đầy bom đạn với men rượu cay nồng, chúng tôi thầm mong cho chàng trai trẻ ấy thành công để khí chất Đề Thám tiếp tục lan tỏa, trường tồn và phát triển trên một không gian mới với những giá trị mới.
Theo Báo Lao động