Chàng trai làm nghề nhiếp ảnh với cú sốc suýt đền hợp đồng 50 triệu

Dân trí

(Dân trí) - Vào nghề từ khi còn học cấp 2, anh Bùi Quốc Hoàng đã nỗ lực nâng cao kỹ năng, thu nhập lên đến 20 triệu đồng. Song, anh cũng có phen hú hồn khi chút nữa phải đền hợp đồng do không đủ số lượng ảnh.

Vào nghề khi mới học cấp 2

Anh Bùi Quốc Hoàng (21 tuổi, TPHCM) là một freelancer (nghề tự do) đã có 6 năm kinh nghiệm trong nghề nhiếp ảnh

Anh gây ấn tượng khi là nhiếp ảnh gia duy nhất của TPHCM đi theo đoàn 140 đại biểu tham dự Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ XI tại Hà Nội. Lần đầu tham gia sự kiện cấp quốc gia, được tác nghiệp cùng nhiều phóng viên ảnh có tiếng, anh cảm thấy "ngộp" vì vừa phải đảm bảo có ảnh đủ và đẹp gửi về đăng tin, vừa phải "chăm sóc" hình ảnh cho hàng trăm người trong đoàn. 

Gần đây, anh còn có vinh dự tác nghiệp tại Phủ Chủ tịch trong sự kiện Phó Chủ tịch nước gặp mặt đoàn thiếu nhi TPHCM. Dù áp lực và lo lắng, anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những bức ảnh chất lượng. Thành công sau những sự kiện này giúp anh trưởng thành và ghi dấu ấn trong sự nghiệp.

Để đạt tới những cột mốc đáng nhớ này, anh đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực.

Chàng trai làm nghề nhiếp ảnh với cú sốc suýt đền hợp đồng 50 triệu - 1

Anh Hoàng theo đuổi nhiếp ảnh khi chỉ mới là học sinh cấp 2 (Ảnh: NVCC).

Anh Hoàng bắt đầu chụp ảnh khi chỉ mới học lớp 9. Cơ hội tác nghiệp đầu tiên của anh là tại trại hè thiếu nhi ba nước Đông Dương, giúp anh kiếm được 500.000 đồng đầu tiên.

Sau khi đạt top 4 cuộc thi ảnh áo dài nữ sinh, anh được gia đình hỗ trợ nâng cấp máy ảnh lên Canon 6D - chiếc máy ảnh "quốc dân" lúc bấy giờ và quyết định theo đuổi con đường nhiếp ảnh. Từ đây, anh làm cộng tác viên tại Quận Đoàn, tham gia chụp ảnh cho các phong trào và sự kiện.

Anh thường tự học nhiếp ảnh qua những kiến thức được chia sẻ trên mạng xã hội, xin góp ý từ người trong nghề. Lên đại học, anh tham gia hai khóa học và theo đuổi lĩnh vực chụp ảnh cưới trong hơn một năm. 

Dù đã thử nhiều thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật như chụp chân dung, sản phẩm… anh vẫn đam mê nhiếp ảnh báo chí và không ngừng học hỏi từ các tiền bối. Song để có thu nhập ổn định, anh duy trì chụp dịch vụ với thu nhập dao động 10-12 triệu đồng/tháng, cao nhất gần 20 triệu đồng vào những dịp cuối năm.

Anh chia sẻ, theo đuổi nhiếp ảnh không dễ dàng khi anh học trái ngành (công tác xã hội), khiến anh đôi lúc thiếu tự tin so với những người được đào tạo bài bản. Tuy vậy, anh không chùn bước mà luôn cố gắng hoàn thiện kỹ năng, kiến thức và cải thiện sau mỗi dự án.

Anh từng trải qua nhiều sự cố trong nghề để trưởng thành và đã có những cảm xúc tiêu cực tưởng chừng phải bỏ nghề. 

Một lần, khi chụp sự kiện lớn của một nhãn hàng, do không thực hiện đúng yêu cầu về số lượng hình, anh suýt phải đền hợp đồng lên tới 50 triệu đồng nếu không nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.

Vượt qua rào cản giới tính

4 năm kinh nghiệm với nghề, chị Thanh Liểu (22 tuổi, ở TPHCM) đã thực hiện hơn 100 dự án lớn nhỏ. Mỗi dự án đều góp phần vào hành trình trưởng thành, giúp chị trở thành một nhiếp ảnh gia, một người hiểu biết, trân trọng cuộc sống và mỗi khoảnh khắc xung quanh. 

Dự án khiến chị tự hào và cảm động là khi chụp ảnh cho một gia đình có người thân bị bệnh nặng. Ban đầu, chị cảm thấy áp lực vì đây có thể là những bức ảnh cuối cùng của họ bên nhau. Chị muốn mỗi bức ảnh phải thật hoàn hảo, truyền tải được tình cảm và kỷ niệm quý giá.

Chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về gia đình và những khoảnh khắc ý nghĩa nhất với họ. Trải nghiệm này giúp chị hiểu sâu hơn về giá trị của nghề và ý nghĩa thực sự của từng bức ảnh. 

Chàng trai làm nghề nhiếp ảnh với cú sốc suýt đền hợp đồng 50 triệu - 2

Chị Thanh Liểu đã vượt qua rào cản giới tính để tiếp tục theo đuổi đam mê (Ảnh: NVCC).

Chị theo đuổi nhiều thể loại như chụp sự kiện, chân dung, cưới hỏi, nhưng đam mê nhất là ảnh du lịch. Xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch, chị yêu vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, mong muốn dùng nhiếp ảnh để lan tỏa nét đẹp này ra thế giới.

Chị Liểu yêu thích chụp ảnh từ những năm cấp 3 nhưng chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Khi học năm nhất, nhờ cơ hội làm việc tại một studio, được tiếp xúc nhiều hơn với nhiếp ảnh đã giúp chị tìm được công việc yêu thích. Từ đó, chị tự học, mua máy và chính thức theo đuổi con đường này. 

Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh với chị là một hành trình đầy thử thách. Một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề kinh tế. 

Để theo đuổi nghề, chị ước tính phải đầu tư gần 100 triệu đồng vào thiết bị. Vì vậy, chị phải làm thêm nhiều công việc và tiết kiệm từ những khoản chi tiêu nhỏ nhất. 

Trải qua từng bước tìm kiếm khách hàng, xây dựng danh tiếng, những buổi chụp hình kéo dài hàng giờ, di chuyển liên tục với giờ giấc không ổn định là quãng thời gian vô cùng khó khăn với chị. 

Ngoài ra, là một phụ nữ trong ngành nhiếp ảnh, chị cũng phải đối mặt với không ít định kiến xã hội. 

Có lần đi chụp ảnh cưới, một thành viên lớn tuổi trong gia đình cô dâu đã có những lời lẽ xúc phạm, tỏ ra nghi ngờ khả năng vì chị là con gái, thậm chí yêu cầu chị rời đi ngay lập tức. Sự việc này khiến chị suy sụp suốt một tháng. Chị mất tự tin và lo lắng về tương lai, thậm chí muốn từ bỏ ngành nhiếp ảnh.

Sau cùng, nhờ sự động viên từ người thân, chị đã vực dậy tinh thần, coi những ánh mắt nghi ngờ và lời nói không hay về mình là động lực cố gắng. Chị dành thời gian học hỏi, cải thiện kỹ năng và chuẩn bị tâm lý vững vàng cho những thử thách sau này.