Chàng trai kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh thu nhập 200 triệu đồng/tháng

Dân trí

(Dân trí) - Từng ở ranh giới cận kề cái chết, anh Trần Trung Hiếu đã nỗ lực không ngừng để đạt được thành tựu đáng kể, có được thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề sản xuất hình ảnh.

"Tay ngang" vào nghề

Anh Trần Trung Hiếu (29 tuổi, ở TPHCM) là một nhà quay phim, sáng tạo nội dung, sản xuất video chuyên nghiệp.

Sở hữu những trang mạng xã hội với lượt theo dõi "khủng", anh gây ấn tượng với khán giả bằng những video với hình ảnh đẹp, giọng đọc trầm ấm thu hút người xem.

Anh từng tham gia sản xuất và làm đại sứ hình ảnh cho nhiều chiến dịch cộng đồng lớn như chiến dịch phòng chống HIV/AIDS cho Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh TPHCM, kêu gọi xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học vùng cao…

Sau một tai nạn nghiêm trọng bị hôn mê sâu, anh tự vấn về đam mê của mình và quyết định "trò chuyện" với phiên bản tốt hơn của bản thân thông qua tuyển tập video ngắn "Trò chuyện với đam mê". Những triết lý sống và làm việc trong chuỗi video này được khán giả nhiều lứa tuổi đón nhận nồng nhiệt.

Chàng trai kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh thu nhập 200 triệu đồng/tháng - 1

Ước mơ lớn nhất của anh là trở thành một nhà làm phim (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, với nhiều vai trò và vị trí làm việc khác nhau, anh đã đạt được mức thu nhập đáng ngưỡng mộ 100-200 triệu đồng/tháng. Đây là kết quả của một hành trình dài đầy nỗ lực và thử thách.

Xuất phát từ mong muốn ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống cá nhân, năm 2012, anh bắt đầu theo đuổi lĩnh vực sản xuất hình ảnh với vai trò quay phim. Hai năm sau, anh cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.

Khi bắt đầu sự nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn do chỉ là "tay ngang" từ ngành công nghệ thông tin. Dù có một số kỹ năng liên quan như tìm hiểu phần mềm, anh vẫn thiếu hụt về kiến thức và tài liệu tham khảo chuyên môn.

Anh từng gặp phải thất bại lớn khi một số sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng do thiếu kiến thức phân tích chi tiết chiến dịch quảng cáo.

Thất bại này giúp anh nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối và cùng khách hàng giải quyết vấn đề từ đầu, luôn trung thực và coi sản phẩm của khách hàng như của mình. Nhờ đó, anh có thể tập trung hơn vào từng dự án, đảm bảo sản phẩm đạt đúng mục tiêu và định hướng đề ra.

Anh so sánh sản xuất hình ảnh với việc vẽ tranh, phải bắt đầu từ những nét đầu tiên mới thấy điểm cần cải thiện. Vì vậy, anh chủ yếu dành thời gian thực hành qua các sản phẩm cá nhân và tham gia các dự án phi lợi nhuận để rèn luyện kỹ năng, dần hoàn thiện bản thân. 

"Tuổi trẻ ta hết mình với thứ được gọi là đam mê!"

Câu nói nổi tiếng của anh, "Tuổi trẻ ta hết mình với thứ được gọi là đam mê…" cũng chính là kim chỉ nam trong hành trình phát triển của mình.

Ngoài công việc chính là sản xuất hình ảnh cho các đơn vị khách hàng, anh Hiếu còn là một nhà sáng tạo nội dung. 

Mỗi ngày, anh phát triển ý tưởng và thực hiện các video ngắn chia sẻ những câu chuyện làm nghề trên mạng xã hội, thực hành viết lách để duy trì hiệu suất và tránh "cạn" ý tưởng trong công việc. Việc này giúp anh hoàn thành các mục tiêu nhỏ, tiếp thêm năng lượng và giữ bản thân luôn hoạt động hiệu quả.

Anh thường bắt đầu quá trình sáng tạo bằng việc lựa chọn một chủ đề, tìm yếu tố đối lập để tạo sự "tương phản", phân tích kỹ thuật để chuyển ngôn từ thành hình ảnh gần gũi, tiếp cận đa dạng khán giả. 

Chàng trai kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh thu nhập 200 triệu đồng/tháng - 2

Ước mơ lớn nhất của anh là trở thành một nhà làm phim (Ảnh: NVCC).

Anh mong muốn truyền tải nội dung đơn giản, không theo chuẩn xã hội, bởi anh tin rằng: "Người cần những thứ đó là những người chưa thực sự tiếp cận hay dễ dàng đón nhận thông tin mình chia sẻ, nhất là những khán giả, khách hàng mới."

Sau hơn một thập kỷ gắn bó với nghề, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Với anh, công việc này không chỉ làm đẹp cho khách hàng hay nâng cao hình ảnh cá nhân, mà còn truyền cảm hứng và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng.

Anh luôn tự hào khi nhận được sự trân trọng từ khách hàng và khán giả sau mỗi dự án hay sản phẩm cá nhân.

Ngoài chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội, anh cũng thường tham gia chia sẻ định hướng nghề nghiệp tại các trường học, giúp mọi người hiểu rõ hơn về lĩnh vực sản xuất hình ảnh. 

Là một người có tầm ảnh hưởng, anh thường phải đối mặt với phản hồi tiêu cực và chỉ trích. Hiểu rằng không thể bao quát hết mọi góc nhìn, anh luôn chọn cách ghi nhận và học hỏi để hoàn thiện mọi mặt.

Một lần, khi nhận được bình luận từ một khán giả khiếm thính, anh nhận ra tệp khán giả của mình rất đa dạng và ai cũng xứng đáng được tiếp nhận thông tin. Từ đó, anh bắt đầu thêm phụ đề cho các video để đảm bảo mọi người đều có thể xem và hiểu được nội dung.

Cam Ly