1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vĩnh Long:

Chàng trai 9X nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm nhờ... nuôi trùn quế

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM anh Nguyễn Văn Thảo (31 tuổi, Vĩnh Long) về quê khởi nghiệp sản xuất phân trùn quế. Hướng đi này đã giúp anh Thảo thu 300 triệu đồng/năm.

Thất bại nhưng không bỏ cuộc

Năm 2016, dù đang học thạc sĩ ở TPHCM nhưng anh Thảo đã mạnh dạn góp vốn cùng 2 người bạn khác mua trùn giống và xây chuồng trại với số vốn ít ỏi chỉ 75 triệu đồng.

Lúc học ở TPHCM, anh nghe nói nhiều về mô hình nuôi phân trùn quế. Nhận thấy quê nhà có lợi thế về chăn nuôi, song bà con địa phương đều thải phân trực tiếp ra môi trường rất ô nhiễm. Chính vì thế, anh Thảo quyết định trở về quê khởi nghiệp, tận dụng chất thải thành nguồn tài nguyên trong sản xuất phân trùn quế.

Chàng trai 9X nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm nhờ... nuôi trùn quế - 1

Phân trùn quế thô được ủ nuôi khoảng 3,5 tháng, độ ẩm đạt 80% sẽ được phơi khô, sấy làm phân trùn quế khô (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Ban đầu mình nuôi trùn quế thử nghiệm trên diện tích khoảng 200m2 với 2 con bò và một vài con heo. Lượng phân không đủ ủ nên mình phải đi xin thêm phân bò của bà con địa phương. Ủ được vài tháng thì thu hoạch được khoảng 70 tấn phải bỏ hết vì trùn quế bị lẫn đất, không bán được", anh Thảo cho hay.

Từ lần thất bại vào cuối năm 2016 anh Thảo quyết định làm lại từ đầu, thay đổi kết cấu chuồng trại. Theo đó anh lót lưới dưới bể, phủ thêm lớp cát trên bề mặt để giúp trùn sinh trưởng và thu hoạch dễ hơn.

Chàng trai 9X nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm nhờ... nuôi trùn quế - 2

Trang trại phân trùn quế của anh Thảo (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo anh Thảo, quy trình nuôi trùn quế được anh xây dựng theo dây chuyền khép kín. Phân và nước tiểu của bò thải ra mỗi ngày sẽ trực tiếp đưa xuống bể chứa ngầm. Bể nhỏ dùng dự trữ còn bể lớn bơm vào nuôi trùn.

Cách một ngày cho trùn quế ăn một lần bằng phân bò. Ước tính với 6 bể nuôi trùn quế hiện có, anh Thảo có thể cung từ 10 đến 15 tấn phân/tháng.

Cùng bà con nông dân làm giàu

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, năm 2018, anh Thảo tham gia thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới với hơn 15 xã viên nhằm liên kết cùng bà con nông dân nuôi trùn quế, nâng chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò, giúp nông dân thêm lợi nhuận từ phế phẩm chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chàng trai 9X nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm nhờ... nuôi trùn quế - 3

Trùn quế được anh Thảo nuôi bằng phân bò trong hệ thống khép kín không gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Các hộ chăn nuôi gia súc ở địa phương sẽ có thêm thu nhập từ việc bán phân bò cho HTX. Bà con có thể tự ủ phân trùn quế tại nhà, hơn 3 tháng có thể thu được một tấn phân tươi độ ẩm đạt 80% được HTX thu mua với giá 1.500-2.000 đồng/kg. Riêng với trùn thịt được mua với giá 40.000 đồng/kg", anh Thảo nói thêm.

Bên cạnh đó, mô hình khởi nghiệp của anh còn tạo thêm thu nhập cho 3 lao động chính với mức lương 8 triệu đồng/tháng và lao động thời vụ khoảng 200.000 đồng/ngày. Ngoài sản xuất phân trùn quế, sắp tới anh chuyển sang hướng chăn nuôi và thủ công mỹ nghệ từ đan lục bình.

Từ trang trại vỏn vẹn 200m2, sau hơn 4 năm cố gắng chàng trai 9x đã nâng lên diện tích trang trại lên 4.000m2, sản lượng cung cấp trùn quế trên 100 tấn/năm. Trừ hết chi phí anh Thảo có thể lãi được hơn 300 triệu đồng/năm.

Với những nổ lực và kiên trì của mình trong những năm qua anh Thảo đã liên tục nhận được bằng khen do địa phương và Trung ương trao tặng. Năm 2020, anh vinh dự nhận bằng khen "Nhà khoa học của nhà nông" do Hội Nông dân Việt Nam Ban chấp hành Trung ương khen tặng.