Nghệ An:
Chàng trai 9x khởi nghiệp từ 3 luống dưa, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Khởi nghiệp ban đầu chỉ với 3 luống dưa, chàng trai 9x xử Thanh đã biến tạo dựng mô hình trồng dưa công nghệ cao đem lại thu nhập khiến nhiều người mơ ước.
Khởi nghiệp từ... 3 luống dưa
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp THPT, với niềm đam mê làm nông nghiệp, Võ Văn Hậu (SN 1993), ở xóm 3, xã Nghĩa An huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã vào miền Nam tìm kiếm việc làm và học hỏi cách trồng dưa lưới.
Đầu năm 2018, anh tình cờ biết đến mô hình trồng dưa lưới của bà con nông dân ở Bình Phước. Nhận thấy đây là một loại cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao nên Hậu ở lại xin học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, sau đó về quê khởi nghiệp trồng dưa.
Gia đình vốn khó khăn, cái ăn chưa đủ nên anh Hậu xác định khởi nghiệp bằng cách vay ngân hàng 150 triệu đồng để xây dựng nhà vườn. Anh Hậu làm một nhà vườn nhỏ chỉ vỏn vẹn 3 luống dưa.
Lúc đầu, thấy anh Hậu đào vườn, lên luống nhiều người không đồng thuận. Thế nhưng, anh đã bỏ tất cả ngoài tai và lao vào làm việc, nghiên cứu cũng như áp dụng những kỹ thuật mà anh đã học hỏi nơi đất khách quê người, nên dưa lưới tốt và cho năng suất khá.
Sau thành công vụ đầu tiên, năm 2019, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Được sự hỗ trợ vốn vay từ quỹ thanh niên lập nghiệp, anh Hậu xây dựng thêm 7.000 m2 nhà vườn, với chi phí lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Vì nông sản làm ra đều được tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap đúng quy trình công nghệ sạch, chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo nên vườn dưa cho năng suất cao, đảm bảo an toàn về chất lượng và không lo đầu ra.
Anh Hậu chia sẻ, sản xuất nông nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu, côn trùng, dịch bệnh xâm hại khi cây trồng tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên.
"Dưa lưới cũng như nhiều loại cây khác vốn được trồng nhiều nơi theo phương thức thông thường nên thường bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng do côn trùng hay sương muối, khiến trái dưa lưới bị nám một bên, dễ sâu bệnh. Với việc trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp cách ly với côn trùng gây bệnh, hay ứng phó trước thời tiết thay đổi thất thường…", anh bộc bạch.
Sau 75 ngày xuống giống với 1.200 gốc, anh Hậu thu hoạch được 1,6-1,8 tấn dưa. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu là ở trong huyện và thành phố Vinh, số lượng sản phẩm làm ra chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Dưa lưới trồng không khó, không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi dây cho một quả, từ 1,2-2,2 kg, giá bán hiện nay là 45.000 đồng/kg. Với khí hậu như ở Nghệ An, mỗi năm có thể sản xuất được 2-3 vụ, mùa lạnh có thể chuyển sang trồng cà chua và hoa ly bán vào dịp Tết, trung bình 1.000 m2 cho lợi nhuận 50-60 triệu đồng.
Theo anh Hậu, mặc dù chi phí đầu tư nhà lưới, màng, giống, hệ thống tưới,… ban đầu khoảng hơn 200 triệu đồng/500 m2, nhưng nhà lưới có thể sử dụng từ 8-10 năm. Vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh.
Cũng theo anh Hậu việc tưới nước được áp dụng hệ thống nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Sau gần 3 năm đầu tư sản xuất và phát triển, hiện tại mô hình nông trại của anh Hậu thuộc tốp đầu toàn huyện Nghĩa Đàn về quy mô cũng như doanh thu hằng năm. Mô hình trồng dưa lưới của anh Hậu là mô hình lớn nhất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Vườn dưa lưới của anh cho sản lượng từ 40-50 tấn/năm, doanh thu đạt từ 300-400 triệu đồng.
Mô hình của anh thường xuyên được lãnh đạo tỉnh, huyện xuống thăm và động viên. Bên cạnh đó anh còn tham gia câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp ở địa phương, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, quy trình sản xuất với bà con, đặc biệt là những người trẻ có đam mê với nông nghiệp.
Năm 2019, anh Võ Văn Hậu là một trong 20 tấm gương tiêu biểu được vinh danh "Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi" của tỉnh Nghệ An.
Anh Hậu bộc bạch: "Thanh niên ở nhà đã hiếm, thanh niên làm nông nghiệp còn hiếm hơn. Nhưng mình còn trẻ, cứ thử sức, mỗi ngành nghề đều có sứ mệnh khác nhau, không thử sao biết được có hợp hay không?".
Bên cạnh đó, mô hình của anh Hậu còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài công việc ở nông trại, thời gian còn lại anh tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Ông Đặng Thế Sinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: "Những năm qua ở Nghĩa An đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới của anh Hậu. Mô hình này tiết kiệm được nguồn nước, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap nên sản phẩm sạch được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho các hộ dân có điều kiện nên học tập mô hình này".
Chi phí ban đầu để xây dựng nhà màng tương đối lớn, nhưng đây là hướng đi bền vững đang được huyện Nghĩa Đàn khuyến khích, góp phần tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Một số hình ảnh về mô hình trồng dưa của anh Hậu: