Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk

Hà Hiền

(Dân trí) - Với số vốn 60 triệu đồng, anh Mlô cùng 3 cộng sự quyết định trồng dưa nước và ớt trên diện tích 450m2, nhằm giữ gìn giống dưa bản địa và góp phần thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp địa phương.

Với mong muốn là một trong những người tiên phong làm mô hình nông nghiệp sạch để thanh niên trong thị trấn học hỏi, tháng 9/2020, anh Mlô cùng 3 cộng sự đã quyết định vay 20 triệu đồng và mỗi người góp thêm 10 triệu đồng. Cầm trong tay số vốn ban đầu là 60 triệu đồng, nhóm quyết định trồng giống dưa nước của người Ê Đê bằng phương pháp thủy canh trong nhà kính.

Nói về lý do lựa chọn dưa nước, anh Y Phi On Mlô (26 tuổi), trưởng nhóm khởi nghiệp ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam của thị trấn, chia sẻ: "Giống dưa nước của người Ê Đê rất ngon nhưng đang có nguy cơ thất truyền, vì vậy chúng tôi quyết định lựa chọn trồng để lưu giữ lại giống bản địa".

Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk - 1
Theo anh Mlô, dưa nước thuộc họ dưa leo nhưng cho trái to hơn, ăn lúc còn xanh thì thơm, mát, ngọt, còn lúc chín vàng thì giòn, có vị chua nhẹ.

Chàng cán bộ Đoàn bén duyên với cây dưa nước từ khi đi nghĩa vụ quân sự, khi ấy anh được giao phụ trách công tác hậu cần nên hàng ngày phải trồng trọt, tăng gia sản xuất. Trong một lần đi làm công tác dân vận, anh bắt gặp loại dưa nước của người dân Ê Đê, khi biết được giống quả này đang có nguy cơ thất truyền, anh liền xin người dân một vài hạt về làm giống.

Mlô cất giữ cẩn thận, khi xuất ngũ anh mang về cùng mẹ ươm trồng. Những hạt dưa nước nảy mầm, anh liền có ý tưởng kết hợp với 3 chàng trai trong thị trấn để trồng bài bản.

Bốn chàng trai, mỗi người đều có công việc khác nhau nhưg đều có đam mê làm nông nghiệp sạch. Trong đó, Y Phi On Mlô (26 tuổi), làm cán bộ Đoàn, có kinh nghiệm về cây trồng; Anh Y Noel Niê (26 tuổi), học công nghệ sinh học; Anh Y Ngơi Mlô (27 tuổi) học điều dưỡng và anh Y Yô Rim Niê (31 tuổi), giáo viên dạy nghề trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk - 2
Bắt đầu hành trình khởi nghiệp, nhóm tận dụng đất của gia đình và thuê thêm để canh tác trên diện tích 450m2, trong đó 150m2 nhà kính được sử dụng để trồng dưa nước thủy canh.

Dưa nước trồng trên giá thể gồm vụn xơ dừa, trấu hun, phân chuồng. Trồng theo phương pháp thủy canh nên chỉ sau 3 tháng, dưa cho thu hoạch. Với mục đích giữ giống dưa bản địa nên vụ thu hoạch đầu tiên nhóm không bán quả mà để quả chín già, lấy hạt để ươm bán cây con và bán hạt giống.

Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk - 3
Dưa nước càng già ăn càng ngon, quả cho trọng lượng từ 0,8 - 1kg/quả.

"Vụ đầu tiên trồng thành công, chúng tôi thu được 50kg hạt giống, bán rất đắt hàng. Vụ thứ hai thu được nhiều hơn và bắt đầu bán quả với giá 25.000 đồng/kg". Mlô cho biết thêm.

Để hạn chế sâu bệnh, rệp, ong vàng châm chích quả, nhóm tự điều chế sản phẩm sinh học gồm ớt và tỏi để phun phòng cho cây.

Ngoài diện tích nhà kính trồng dưa nước, nhóm còn trồng ớt chỉ thiên, bên trên làm giàn trồng mướp, bí đao để "lấy ngắn nuôi dài", liên tục có các sản phẩm bán để nhanh hoàn vốn.

Ớt cũng là cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh, đến nay nhóm đã thụ hoạch được 5 tạ ớt tươi, có thời điểm bán với giá 180.000 đồng/kg. Trước dịch, nhóm còn làm ớt sấy khô đóng hộp bán rất chạy, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn trong khâu vận chuyện nên sản phẩm này tạm dừng sản xuất.

Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk - 4
Công việc bán hàng chủ yếu do anh Mlô quản lý, nhóm bán sản phẩm ớt, hạt giống dưa qua mạng xã hội, một số trang thương mại điện tử. Còn bí đao, mướp thì bán buôn cho các sạp tạp hóa ở địa phương.

Đều xuất thân từ con nhà nông nhưng khi bắt tay vào khởi nghiệp cả nhóm đều gặp không ít khó khăn: "Ban đầu chúng mình bỏ nhiều phân bón quá cây cũng bị chết. Ngoài ra, dưa nước cũng là giống cây lạ, nên mình phải làm các video hướng dẫn người mua cách trồng, nói về nguồn gốc xuất xứ của giống dưa, thu hoạch ra sao…", Mlô nhớ lại.

Bốn chàng trai Ê Đê góp vốn khởi nghiệp với trái dưa nước, ớt ở Đắk Lắk - 5

Đến nay, sau 1 năm khởi nghiệp, nhóm đã hoàn được vốn nhưng chưa có lãi.

Nhiều thời điểm khó khăn, cả nhóm đều nản nhưng xác định là một trong những người tiên phong nên cả 4 chàng trai lại cố gắng tìm tòi các giải pháp để vượt qua.

Mới đây, các chàng trai còn thử nghiệm nuôi ốc nhồi theo mô hình "trên dưa nước, dưới ốc nhồi", tận dụng luôn nguồn nước nuôi ốc, điều chế thêm phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho dưa nước, tiến tới mô hình tuần hoàn khép kín.

Chuẩn bị nguồn nông sản cho dịp Tết, nhóm nghiên cứu và nhận thấy khổ qua (mướp đắng) có tiềm năng nên đã quyết định chuyển đổi cây trồng, phá bỏ toàn bộ diện tích ớt đã thu hoạch được 3 lứa để trồng khổ qua.