TPHCM:
Chàng "nghệ sĩ" bán bánh tráng trộn thu nhập 20 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Gần đây, nghề bánh tráng trộn cạnh tranh gay gắt nên thu nhập của anh Thịnh giảm từ 50 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng/tháng. Cách trộn bánh tráng đặc trưng khiến anh Thịnh nổi tiếng nhiều năm qua.
Bánh tráng trộn từ lâu đã trở thành món ăn vặt "đặc sản" của giới trẻ Sài thành. Không khó để tìm mua được món ngon bình dân này trên khắp mọi nẻo đường thành phố.
Tuy vậy, để tìm thấy một người bán bánh tráng trộn chỉ thích mặc áo sơ mi và ưa làm chuyện... hào hiệp đúng chất Sài Gòn thì chỉ có một nơi.
Bánh tráng trộn “nghệ sĩ”
Dù nằm khuất mình trong một góc nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) nhưng tiệm vẫn thu hút nhiều lượt bạn trẻ đến mua.
Nghe nhiều người giới thiệu, chúng tôi quyết định tìm đến tiệm để xem món ăn ngon cỡ nào mà thu hút mọi người quan tâm như vậy.
Qua tìm hiểu chúng tối biết, chủ tiệm là anh Dương Gia Thịnh (SN 1984, ngụ TPHCM). Anh Thịnh được khách hàng đặt biệt danh là "bánh tráng nghệ sĩ".
Biệt danh này bắt nguồn từ việc do mọi người thấy anh bán món ăn vặt mà quần áo tươm tất, chỉnh chu và đặt biệt là mái tóc rẽ ngôi hai mái mang chất nghệ sĩ của anh.
Dường như đây cũng là điểm thu hút sự tò mò, khiến người ta thi nhau đến đây mua bánh tráng trộn.
Tầm 19h hàng ngày, khi "anh nghệ sĩ" vừa dọn hàng xong là những lượt khách đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện. Hôm nay, anh mặc áo sơ mi xanh, đóng thùng trong quần jean, đeo tạp dề vàng nổi bật và bắt đầu lấy nguyên liệu trộn bánh tráng.
Do không muốn khách hàng phải chờ, anh đã trộn sẵn một thau bánh tráng thuộc hàng size “siêu to khổng lồ”. Mỗi mẻ đầy thau như thế có thể cho ra từ 15 - 20 phần ăn.
Bánh tráng xé nhỏ, rau răm, xoài bào sợi được cho vào thau inox và nêm nếm gia vị như muối Tây Ninh, sa tế cay, hành phi giòn tan, nước sốt dầu điều vàng ươm...
Sau đó, tất cả được trộn đều bằng nước me thay vì nước lọc để bánh tráng mềm dẻo, có độ ngon đặc biệt mà không bị nhão dính vào nhau.
Ngoài ra, ở tiệm này còn có nhiều nguyên liệu ăn kèm gồm tép rim ngọt, khô bò xé, khô mực tẩm, trứng cút luộc được đựng trong hũ nhựa sạch sẽ, hợp vệ sinh. Tùy thuộc vào sở thích của mỗi khách hàng mà anh sẽ bỏ vô rồi trao tận tay khách hàng.
Trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ, anh Thịnh đã làm được 2 mẻ lớn mà khách thì ngày càng đông tấp nập. Bề ngoài lãng tử cộng với đôi bàn tay anh trộn bánh tráng cực kì điêu luyện thu hút ánh mắt mọi người. Dường như đây là "tuyệt chiêu" để khách hàng quên đi sự chờ đợi mà chỉ tập trung theo dõi anh trộn bánh.
Một phần bánh tráng trộn của anh bán có giá dao động trung bình từ 15.000 - 25.000 đồng/phần và khách chỉ cần chờ khoảng 5 phút, khách đông thì 15 phút thì sẽ mua được.
Anh Thịnh cho biết đã làm nghề bán bánh tráng trộn hơn năm qua và cũng đã thay đổi rất nhiều địa điểm. Lý do anh thay đổi địa điểm do quán đông khách khiến chủ mặt bằng tăng giá thuê quá cao.
Chỉ đủ sống qua ngày
Anh Thịnh cho biết đã trải qua nhiều nghề mưu sinh từ thợ cơ khí, “cò” nhà đất, bồi bàn cho đến kinh doanh băng đĩa... Năm 2007, nắm bắt đỉnh điểm “cơn sốt” bánh tráng trộn, anh Thịnh quyết định tự tìm tòi, học hỏi và theo đuổi nghề này.
Ban đầu làm vì miếng cơm manh áo, về sau càng làm càng đam mê nên anh đã gắn bó với công việc bán bánh tráng trộn đến tận hôm nay.
Thuở mới bắt đầu vào nghề, anh Thịnh đặt quầy bán tại khu vực chợ Thị Nghè. Chỉ sau vài tháng hoạt động, tiếng lành đồn xa, nơi đây nhanh chóng trở thành một trong những “điểm nóng” bán bánh tráng trộn được yêu thích nhất của giới trẻ Sài thành.
Quầy bánh của anh Thịnh lúc nào cũng tấp nập người đến mua, nhiều người phải xếp hàng cả nửa tiếng mới được cầm trên tay món bánh tráng trộn “thần thánh”. Nhắc đến thương hiệu “bánh tráng trộn Thị Nghè”, có lẽ nhiều 8X Sài thành đến tận bây giờ vẫn còn nhớ.
Do gặp trục trặc về mặt bằng, anh Thịnh đã hai lần chuyển chỗ dẫn đến mất đi một lượng khách quen. Từ cuối năm 2015, anh dọn về bán trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến 2/2020 rồi mới chuyển sang Phạm Văn Đồng được 6 tháng nay.
Sau một thời gian đi vào ổn định, gần đây, những vị khách quen từng yêu mến “bánh tráng trộn Thị Nghè” ngày nào cũng đã dần quay trở lại với anh. Mỗi ngày, anh chủ 8X này có thể bán xấp xỉ 600 – 800 bịch. Những ngày cuối tuần anh có thể bán được xấp xỉ 1000 bịch.
Bán nhiều là thế những theo anh Thịnh tiền lợi nhuận cũng chỉ đủ giúp anh trang trải cuộc sống.
"Những năm 2007 - 2008 có thế nói nghề này cho thu nhập cao nhưng khi qua năm 2010 thì thu nhập đã bị giảm bớt. Nguyên nhân, do nhiều người đổ xô ra làm quá nên sự cạnh tranh rất là lớn nên tôi muốn trụ lại thì phải bỏ công lấy lời”, anh Thịnh tâm sự.
Cũng theo lời anh Thịnh, thời kỳ đỉnh cao, một tháng có thể kiếm về 40 - 50 triệu đồng/ tháng. "Nhưng bây giờ một ngày, tôi làm 12 tiếng sau khi trừ hết chi phí thì còn tầm khoảng 20 triệu đồng/tháng" - anh kể.
Năm nay, dịch Covid-19 cũng khiến khách hàng của anh Thịnh giảm khoảng 50%. Nhiều dịch vụ bán hàng online, giao hàng tận nơi cũng khiến thu nhập của anh Thịnh giảm.
“Nói chung nghề bánh tráng này hiện tại đang bị bão hòa, hiện tại có rất nhiều người buôn bán mà muốn lấy được đồng tiền của thiên hạ của đâu phải dễ. Bây giờ chỉ có những người làm bánh tráng lâu năm thì họ mới tồn tại được chứ còn mà nghe theo nhiều người đồn làm bánh tráng trộn lời lắm mà chạy theo thì chỉ có lỗ vốn rồi lại mất tiền bạc, thời gian”, anh Thịnh chia sẻ.
"Tôi xem mỗi khách hàng là một người bạn của mình. Có lẽ vì thế mà nhiều khách hàng cũng thương tôi như bạn của họ. Họ không chỉ đến mua bánh rồi đi mà còn nán lại trò chuyện cùng tôi, thậm chí phụ bán giúp tôi nữa. Ở đời, tiền bạc chỉ là phù du, mình mưu sinh chỉ là để lo cho miếng ăn, còn tình cảm con người với nhau mới là đáng quý nhất", anh Thịnh nêu quan điểm.