1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Chuyển 3.000m2 đất trồng lúa sang nuôi lươn, mỗi tháng vợ chồng anh Lộc xuất ra thị trường trên 150.000 con lươn giống, trừ chi phí vẫn có lãi hàng chục triệu đồng.

Anh Nguyễn Tấn Lộc (28 tuổi, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Qưới An, Vũng Liêm, Vĩnh Long) hiện đang là chủ của một cơ sở sản xuất và cung cấp lươn giống lớn ở địa phương. Đều đặn mỗi tháng anh Lộc bán ra thị trường từ 150.000 đến 180.000 con lươn giống đủ kích cỡ, thị trường phủ khắp cả nước.

Nuôi lươn như chăm em bé, gia đình nông dân đút túi tiền triệu mỗi ngày

Anh Lộc cho biết, gia đình chỉ có 3 công ruộng nhưng nhận thấy trồng lúa kém hiệu quả nên 2 năm trước, anh đã quyết định chuyển đổi sang nuôi lươn giống. Quyết tâm làm giàu, anh Lộc đã mạnh dạn vay trên 800 triệu đồng để đầu tư.

"Tôi thuê công thợ cải tạo lại chân ruộng, xây dựng 54 bể bạt với đầy đủ hệ thống cấp thoát nước, phun mưa nhân tạo để tạo môi trường sống phù hợp cho lươn sinh sản. Nguồn nước nuôi lươn bố mẹ cũng phải được xử lý và kiểm soát nghiêm ngặt.

Hai năm trước tôi thả 1,2 tấn lươn sinh sản, hiện giờ con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Vì để lươn đẻ trứng rồi nở tự nhiên thì hiệu quả không cao nên tôi chọn mô hình ấp nở nhân tạo", anh Lộc cho biết.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 1

Ba công ruộng được vợ chồng anh Lộc chuyển thành 54 bể nuôi lươn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Các bể nuôi lươn hình chữ nhật rộng khoảng 20m2, cả 4 cạnh xung quanh và mặt đáy đều được lót bạt. Trong các bể, anh Lộc đắp bờ đất xung quanh để lươn làm ổ và mương nước ở giữa để lươn kiếm ăn.

Thức ăn cho lươn bố mẹ là những sinh vật tự nhiên mà lươn ưa chuộng như giun đất, ốc bươu vàng… và thức ăn công nghiệp. Anh Lộc cho biết, lươn đẻ liên tục từ tháng 3 đến tháng 9, tùy số lượng lươn đẻ mà sẽ định kỳ từ 10 đến 15 ngày thu trứng một lần.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 2

Anh Lộc đang kiểm tra tình hình lươn đẻ (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Trứng để nguyên trong ổ sẽ có tỷ lệ nở thấp, nở không đồng đều, thành nhiều lứa nên hao hụt rất lớn. Mình vớt trứng vào xô rồi ấp bằng máy sục khí trong 7 ngày trứng sẽ nở đồng loạt với tỷ lệ trên 90%, hiệu quả cao hơn nhiều", anh Lộc nói.

Lươn sau khi nở được anh Lộc nuôi trong chậu chứa giá thể là bùi nhùi sợi nhựa hay lưới mắt cáo. Lươn bột dưới 20 ngày tuổi được cho ăn trùn chỉ xay nhuyễn, lươn lớn hơn được cho ăn bột hoặc thức ăn viên công nghiệp.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 3

Cả gia đình đang cho lươn con ăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Lê Thị Diễm My (vợ anh Lộc) chia sẻ, chăm lươn giống cũng cầu kỳ như chăm em bé, mỗi ngày phải tắm, thay nước 2 lần. Mỗi ngày vợ chồng anh Lộc cũng phải chia làm nhiều cữ cho lươn ăn.

"Ngày mấy lần, vợ chồng bê bát thức ăn trông như bột cho trẻ em, bón từng thìa cho lươn con. Chờ lươn ăn no, nếu thức ăn còn dư thì phải vớt khỏi chậu. Cho ăn xong thì phải tắm rửa, thay nước mới cho lươn ở. Phải vậy lươn mới khỏe mạnh, đạt chất lượng để xuất bán", chị My nói.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 4

Thức ăn cho lươn được bón từng thìa như chăm em bé (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị My cho biết thêm, theo nhu cầu thị trường, hiện gia đình đang cung cấp 3 loại lươn giống. Bé nhất là lươn bột 20 ngày tuổi có giá 800 đồng mỗi con. Lươn nuôi 50 ngày sẽ đạt trọng lượng khoảng 1000 con/kg, có giá 2.500 đồng mỗi con. Loại lươn lớn hơn nữa sẽ có giá 3.500 đồng mỗi con.

"Nuôi lươn giống không nặng nhọc nhưng cũng không dễ dàng gì, phải luôn tay luôn chân. Bù lại, thu nhập cũng tương đối. Trừ chi phí, hao hụt thì với 3 công ruộng mỗi ngày cũng bỏ lãi được hơn một triệu đồng", chị My nói.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 5

Những con lươn 50 ngày tuổi to bằng đầu đũa chuẩn bị được bán với giá 2.500 đồng mỗi con (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Lộc chia sẻ thêm, sau 2 năm nuôi lươn, cơ bản vợ chồng anh đã thu hồi được hơn 800 triệu đồng vốn bỏ ra ban đầu, coi như lãi được đàn lươn bố mẹ cũng như hệ thống chuồng trại đã đầu tư. Tuy nhiên anh Lộc cũng cho rằng nuôi lươn không dễ, lại rủi ro nên nhà nông muốn nuôi lươn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi thực hiện.

Chăm lươn như em bé, anh nông dân miền Tây đút túi tiền triệu mỗi ngày - 6

Ngoài ăn uống cầu kỳ, lươn con cũng đòi hỏi sạch sẽ, phải tắm rửa thay nước 2 lần mỗi ngày (Ảnh: Nguyễn Cường).