Giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An - bài 2:

Câu chuyện ở những “huyện 30a”

(Dân trí) - Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong ở Nghệ An đã có những bước tiến vững chắc. Từ địa phương thuộc nhóm nghèo nhất nước, có địa phương đã đạt được kỳ tích, trở thành xã nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Kỳ tích ở “huyện 30a”

Ngày 27/1/2018, tròn 10 năm được thụ hưởng Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, xã Tam Quang được vinh dự là địa bàn vùng biên đầu tiên của tỉnh Nghệ An "cán đích" nông thôn mới.

Theo bà Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, địa bàn của xã thuộc vùng cao biên giới, còn nhiều khó khăn và xuất phát điểm thấp. Nhưng với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Tam Quang đã trở thành xã nông thôn mới trước thời hạn 3 năm.

Nhờ nguồn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo của Chính phủ, hạ tầng giao thông ở huyện Tương Dương đang từng bước hoàn thiện
Nhờ nguồn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo của Chính phủ, hạ tầng giao thông ở huyện Tương Dương đang từng bước hoàn thiện

Nếu như năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Tương Dương ở mức 71,3%, thì kết thúc năm 2017, số hộ nghèo giảm xuống còn 36,34% số hộ dân toàn huyện. Kết quả này còn thấp hơn mục tiêu 40% (theo tiêu chí hộ nghèo cũ) của Nghị quyết 30a đề ra tới năm 2020.

“Tam Quang đã trở thành xã biên giới vùng cao đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn” - bà Kha Thị Hiền nói.

Tỉnh Nghệ An có 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Trong 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã huy động được gần 59 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó nhân dân đóng góp 16 tỷ đồng.

Người dân được hỗ trợ, tạo điều kiện vay gần 90 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo sinh kế góp phần giảm nghèo.

Các mặt về đời sống văn hóa, giáo dục, y tế của địa phương có nhiều chuyển biết tích cực. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới thực sự đã làm thay đổi diện mạo của xã biên giới Tam Quang.

Bản làng Tương Dương từng bước khởi sắc
Bản làng Tương Dương từng bước khởi sắc

Theo thống kê, hiện 50% số hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở Tam Quang có thu nhập ổn định 50 đến 100 triệu đồng/năm từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 dưới 10 triệu đồng thì đến năm 2017 đã tăng hơn 2,5 lần, đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,17%.

Cùng với hai xã Tam Thái và Thạch Giám, huyện Tương Dương có 3 xã cán đích nông thôn mới và là huyện 30a duy nhất của tỉnh Nghệ An có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3 huyện nghèo 30a của Nghệ An được bố trí 25 tri thức trẻ theo Đề án 600 phó chủ tịch xã. Đội ngũ này đã thổi một luồng khí mới trong cung cách làm việc, phát huy sức trẻ và trí tuệ trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - văn hóa – chính trị tại địa phương.

Đánh giá về công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho biết: “Với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đặc biệt là triển khai các dự án từ Chương trình 30a của Chính phủ, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Điều này cũng song hành với việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”.

Nhờ các chính sách mang tính "đòn bẩy" này, diện mạo các thôn, bản đã đổi thay rõ nét, đời sống của các hộ gia đình từng bước được nâng cao. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện.

Người nghèo được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với điều kiện tự nhiên
Người nghèo được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi, trồng trọt, phù hợp với điều kiện tự nhiên

Nhiều thách thức trong giảm nghèo bền vững

Câu chuyện về giảm nghèo bền vững ở huyện Quế Phong và Kỳ Sơn cũng tạo ra nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Quế Phong là 51,44% thì đến nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 39,45%, “cán đích” mục tiêu giảm hộ nghèo Nghị quyết 30a trước 3 năm. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo giảm bình quân hơn 5%/năm.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Quế Phong, thông qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, huyện đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân, coi đây là cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi căn bản chất lượng đời sống.

Đường giao thông bê tông được mở đến tận thôn bản ở huyện Quế Phong, tạo điều kiện thuận tiện trong đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa
Đường giao thông bê tông được mở đến tận thôn bản ở huyện Quế Phong, tạo điều kiện thuận tiện trong đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thôn, bản giáp biên giới cùng với các chính sách khác đã được triển khai có hiệu quả. Từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định.

Với huyện Kỳ Sơn, kết thúc năm 2017, toàn huyện còn 56,03% hộ nghèo - là huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Nghệ An. Theo đánh giá của người dân, kết quả trên thực sự là một bước tiến dài ở huyện vùng biên này. Bởi thời điểm Nghị quyết 30a triển khai tại huyện năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Kỳ Sơn còn lên tới 80,2%.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, huyện Kỳ Sơn đã ban hành Nghị quyết 17, gắn trách nhiệm cho mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn.

Thiên tai tàn phá là một trong những rào cản xóa đói giảm nghèo ở huyện Kỳ Sơn. Trong ảnh là con đường huyết mạch nối trung tâm huyện Kỳ Sơn vào các xã biên giới Mường Ải, Mường Típ bị lũ cuốn trôi
Thiên tai tàn phá là một trong những rào cản xóa đói giảm nghèo ở huyện Kỳ Sơn. Trong ảnh là con đường huyết mạch nối trung tâm huyện Kỳ Sơn vào các xã biên giới Mường Ải, Mường Típ bị lũ cuốn trôi

Bằng việc hỗ trợ bò giống, con giống, hỗ trợ canh tác… đã có hàng chục nghìn hộ trên địa bàn huyện đã được giúp đỡ và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

“Hiện 100% các xã đã có đường ô tô đi vào trung tâm, các trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố, hệ thống điện lưới đang được tiếp tục kéo vào các xã vùng sâu, xa. Nhiều sản phẩm của Kỳ Sơn đã dần tiếp cận và có thương hiệu trên thị trường trong tỉnh và trong nước như chè tuyết Shan, mận Tam Hoa, gà đen, lợn đen, các loại dược liệu quý…” - ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết.

Đến năm 2020, khi các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a kết thúc, huyện Kỳ Sơn đặt nhiệm vụ giảm hộ nghèo xuống còn 36,22%.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn chia sẻ, Kỳ Sơn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường giảm nghèo, nhất là áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí mới.

Sản xuất miến dong Phuxailaileng - 1 đặc sản của huyện Kỳ Sơn có giá trị kinh tế cao
Sản xuất miến dong Phuxailaileng - 1 đặc sản của huyện Kỳ Sơn có giá trị kinh tế cao

“Thách thức đó đến từ chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình thiếu bằng phẳng, thiếu đất canh tác. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã được quan tâm đầu tư, hướng xuất khẩu lao động nước ngoài được đẩy mạnh bằng nhiều chính sách hỗ trợ tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn” - ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết.

Hoàng Lam

(còn nữa...)