Lương tối thiểu khó xóa đói giảm nghèo
Mức lương cơ bản hiện nay chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu của người lao động.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 1-2017, Bộ LĐ-TB&XH định nghĩa: “Lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ”.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dù có định nghĩa như thế nào thì thực tế thu nhập hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu của người lao động.
Sống chật vật
Chị Nguyễn Thị Mai (công nhân ở KCN Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có hai con nhỏ đang trong tuổi học mẫu giáo, cả hai vợ chồng đều là công nhân hơn năm năm nay. Chị cho biết với mức lương hiện nay thì cả hai vợ chồng đều rất chật vật để sống.
“Mỗi tháng, tiền đi học, tiền ăn, tiền sữa của hai bé đã hết 7 triệu đồng. Tiền thuê trọ, tiền điện nước thêm 4 triệu đồng. Nhiêu đó thôi là hai vợ chồng phải cày dữ lắm mới kham nổi. Hai vợ chồng liên tục thay nhau tăng ca, ăn uống tiết kiệm nhưng chẳng thấy dư được đồng nào. Nhiều lúc con ốm đau cũng không có sẵn tiền trong nhà mà lo chạy ngược chạy xuôi để mượn rồi khi nào có lương đắp vào trả” - chị Mai chia sẻ.
Vì điều kiện quá khó khăn, chị Huỳnh Mai Anh (KCX Linh Trung, quận Thủ Đức) cùng chồng phải gửi hai đứa con đang học lớp 3 và lớp 1 về Đồng Nai cho bà ngoại nuôi giùm. Chồng chị làm tài xế, còn chị là công nhân ở KCX.
Chị cho biết tháng nào tăng ca liên tục thì lúc lãnh lương may ra còn thấy tiền, tháng nào mà đau ốm không tăng ca được thì thiếu thốn trăm bề. Hai vợ chồng chi phí tằn tiện mỗi tháng cũng hơn 6 triệu, hằng tháng còn gửi về để ngoại lo cho cháu trên 5 triệu đồng nữa. Sau khi trừ hết các khoản không còn dư đồng nào, đó là chưa kể nhiều khoản phát sinh khác”.
“Năm ngoái, mấy ngày cuối năm tôi phải “cày” thêm mỗi đêm. Làm suốt hai tuần liên tiếp, rồi xong mở mắt ra là thấy mình nằm trong bệnh viện. Hỏi chồng mới biết là mình xỉu ngay chỗ làm...” - chị Anh rớm nước mắt kể.
Nhiều chiêu bắt chẹt công nhân
Anh Nguyễn Văn Định, quê Quảng Bình, công nhân Công ty JS (KCX Linh Trung, Thủ Đức), thông tin tổng thu nhập của anh hằng tháng thuộc tốp khá của công ty, khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong đó lương cơ bản 4,1 triệu đồng. Vợ anh cũng làm công nhân dệt may ở một công ty khác với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Với mức lương hiện nay, công nhân làm việc tại các KCX-KCN chỉ sống dưới mức tối thiểu. Ảnh: P.ĐIỀN
Với gần tám năm làm công nhân, hai vợ chồng anh chẳng thể tích cóp để mua nhà. Vì lương chưa đến cuối tháng đã hết veo do mức chi tiêu ngày càng tăng cao so với mức điều chỉnh lương nhỏ giọt của công ty. Anh Định cho biết bình quân mỗi năm lương thâm niên tăng từ 160.000 đến 180.000 đồng. V
iệc điều chỉnh lương nhỏ giọt này ai cũng nhìn thấy nhưng phía công ty thì cho rằng thực tế lương cơ bản họ trả cho công nhân đã cao hơn so với mức lương tối thiểu, vì vậy họ có điều chỉnh chút ít để động viên người lao động. Tuy nhiên, nếu mức tăng lương tối thiểu này kéo dài thì đời sống công nhân ngày càng khó khăn hơn do thu nhập thực tế sẽ giảm so với mức trượt giá.
Nguyễn Anh T., tổ phó Công ty TNHH Mtex Việt Nam, cho biết với cách tính lương tối thiểu như hiện giờ, nhìn trực quan có thể thấy có nhích lên so với ba năm trước, như vậy công nhân mới vào làm có cảm giác tạm ổn. Tuy nhiên, sau vài năm họ sẽ thấm thía vì mức lương tụt so với mức trượt giá khoảng cách khá xa. Anh T. viện dẫn mức lương tột khung với người quản lý trực tiếp khoảng 9 triệu đồng/tháng, dù có phấn đấu cộng thêm thâm niên cũng không thể nhiều hơn.
Lâu nay các doanh nghiệp FDI thường vận dụng hai phương án hiệu quả để qua mặt cơ quan thuế và đòi hỏi tăng lương từ việc tăng lợi nhuận của công nhân. Thứ nhất, ban đầu họ thực hiện phương án chuyển giá, phương án này đã bị các chuyên gia, cơ quan chức năng lật tẩy.
Ngay lập tức họ chuyển sang phương án báo lỗ hoặc có lãi nhỏ giọt, theo kiểu đánh giá tình hình kinh doanh theo kỳ, trong đó có tháng hòa vốn, có tháng lãi 2.000-3.000 USD hoặc lỗ chút ít để qua mặt cơ quan thuế và kêu gọi người lao động chia sẻ khó khăn, bớt đòi hỏi điều chỉnh lương, phụ cấp... “Với những cách tính toán tinh vi như vậy, người lao động dù có tay nghề, có thâm niên cũng không thể hưởng mức lương và phúc lợi tương xứng với công sức” - anh T. nói ngậm ngùi.
Tại sao không phải “lương đủ sống”?
Đây là câu hỏi bà Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đưa ra thảo luận với đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phía Nam ngày 23-12.
Bà Lan cho rằng nước ta đang nằm trong nhóm các nước đang phát triển nên lấy nền tảng lương tối thiểu chi trả cho người lao động để xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện mức lương cơ bản chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu của công nhân. Nếu tiếp tục duy trì lâu dài với tên gọi như vậy thì đời sống công nhân sẽ túng bấn, khó cải thiện thu nhập, tích lũy và thoát nghèo.
Bà Lan đề xuất đã đến lúc tính toán cơ chế tiền lương đủ sống. Tức mức lương đảm bảo mức sống tối thiểu “chấp nhận được” cho người lao động và gia đình với các nhu cầu thiết yếu như giáo dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe… và tích lũy phòng khi ốm đau. Mức lương này người lao động nhận được trong một tuần làm việc và thường xuyên cập nhập để duy trì, cân đối cuộc sống và con số đó đảm bảo không bị trượt giá.
Nghị định số 153/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ 1-1-2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 2.580.000 đến 3.750.000 đồng/tháng tùy từng vùng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng (từ 7,1% đến 7,3%).
Theo PLO.VN