Quảng Bình:
Câu chuyện khởi nghiệp của chàng kỹ sư với 4.000 con cá chình
(Dân trí) - Vượt qua nhiều khó khăn khởi nghiệp ban đầu, kỹ sư Nguyễn Văn Thanh (Quảng Bình) đang có khoảng 4.000 con cá chình. Chỉ khoảng 5 tháng nữa, số cá chình này sẽ được bán và thu lãi gần một tỷ đồng.
Chọn hướng đi... "độc đáo và mới lạ"
Qua lời giới thiệu của một cán bộ trẻ xã Quảng Đông, chúng tôi đã được tiếp xúc và tham quan mô hình khởi nghiệp từ cá chình của kỹ sư Nguyễn Văn Thanh (SN 1990), trú thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Cơ sở nuôi cá chình của anh Nguyễn Văn Thanh là mô hình duy nhất tại xã Quảng Đông nói riêng và huyện Quảng Trạch nói chung.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, chàng trai Nguyễn Văn Thanh đã bôn ba đến nhiều nơi, làm đủ thứ nghề và luôn khao khát sẽ tìm ra hướng đi riêng trên con đường khởi nghiệp.
Đến năm 2017, sau một lần về huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), anh Nguyễn Văn Thanh có dịp tham quan mô hình nuôi cá chình hiệu quả của một người dân địa phương. Ý tưởng đưa cá chình về quê hương Quảng Trạch đã nảy ra trong đầu anh Nguyễn Văn Thanh.
Cũng chính từ thời điểm đó, anh Nguyễn Văn Thanh bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về các mô hình nuôi cá chình. Anh lặn lội vào tận Khánh Hòa và các tỉnh phía Nam để tìm hiểu cách nuôi, nghiên cứu các trang trại đi trước cũng như trên sách vở để đúc kết kinh nghiệm.
Qua một thời gian tìm hiểu và nhận thấy nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thức ăn của cá chình cũng rất dễ kiếm. Trong khi đó, ở quê chưa có ai nuôi nên anh Nguyễn Văn Thanh suy nghĩ và quyết định chọn đầu tư vào con cá chình.
"Với quan điểm tìm sản phẩm độc lạ, dễ tiêu thụ, ít người làm để khởi nghiệp thì mình thấy cá chình là phù hợp. Cái khó lúc đó là vốn quá ít, toàn bộ đều phải vay mượn, mà vốn đầu tư lớn, rủi ro cũng không nhỏ nên gia đình phản đối", anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên với kiến thức chuyên môn có được, anh vẫn thuyết phục gia đình để đầu tư và tin tưởng bản thân sẽ thành công
Là người tiên phong trong việc đưa cá chình về với vùng đất huyện Quảng Trạch, mọi công đoạn phát triển mô hình đều được anh Nguyễn Văn Thanh tính toán hết sức kỹ lưỡng. Để giảm thiểu rủi ro, anh Nguyễn Văn Thanh tiến hành nuôi thử trước khi thả giống đại trà.
Mặc dù đã tìm hiểu cách nuôi, chuồng trại, môi trường sống của cá chình và ghi lại chi tiết, nhưng lúc đó còn có ít kinh nghiệm nên anh rất lo lắng.
"Thời điểm đầu mới nuôi, nhiều đêm không ngủ được, cứ xoay quanh hồ nuôi cá. Cũng may là lúc nuôi thử đều rất thuận lợi và không có bất trắc gì, từ đó mình mới vay mượn để đầu tư khởi nghiệp thực sự", anh Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm.
Chi tiền tỷ cho dự án nuôi cá chình
Qua thử nghiệm thành công, cuối năm 2018, anh Nguyễn Văn Thanh đã đầu tư hơn một tỷ đồng xây dựng mô hình. Ngày đầu bắt tay vào thực hiện, khó khăn lớn nhất là vốn liếng ít, phần lớn anh phải cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng.
Xây dựng được ao nuôi, nhà trại và thả giống đã tốn hơn một tỷ đồng rồi, cái khó tiếp theo của anh là mỗi tháng phải chi gần 10 triệu tiền thức ăn và tiền điện bơm nước cho ao nuôi cá.
"Khi nguồn thu chưa có nhưng mỗi tháng vẫn mất một số tiền lớn khiến mình hết sức vất vả. Mình cũng cố gắng làm thêm việc này, việc khác để có nguồn kinh phí nuôi hoài bão làm giàu từ cá chình", anh Nguyễn Văn Thanh tâm sự.
Lứa cá chính thức của Nguyễn Văn Thanh được thả giống vào tháng 7/2020. Hiện nay với 3 hồ, anh có khoảng 4.000 con cá chình, trọng lượng khoảng một kg/con, chỉ khoảng 5 tháng nữa, số cá chình này sẽ được xuất bán.
Với giá ở mức cao và ổn định là 550.000 đồng/kg, trong 3-5 tháng tới, anh sẽ xuất bán được khoảng gần 4 tấn cá, tương đương với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ước tính ban đầu, anh sẽ thu lời gần một tỷ đồng sau khi đã trừ các chi phí liên quan.
Theo anh Nguyễn Văn Thanh, cá chình dễ nuôi và ít bệnh tật. Tuy nhiên cá chình phải nuôi trong môi trường ít ánh sáng, thức ăn cũng phải là bột chuyên dụng, nước bể cá gần như ngày nào cũng phải thay mới để đảm bảo môi trường sinh sống.
Để con cá chình phát triển tốt, người nuôi phải nắm bắt được đặc tính của cá là ban ngày ngủ, chỉ ăn vào buổi đêm, khu vực nuôi phải yên tĩnh. Bên cạnh đó, cứ sau 3 tháng cần phải phân loại cá, trọng lượng cá khác nhau để có chế độ ăn phù hợp.
Chàng kỹ sư trẻ có dự định mở rộng thêm hồ nuôi, tuyển thêm lao động thường xuyên vào làm việc. Ngoài nuôi cá, anh Nguyễn Văn Thanh còn tìm hiểu và đang nuôi thử nghiệm các cá thể chồn hương lấy giống.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch - địa phương này là vùng đất cát, vô cùng khắc nghiệt, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề biển hoặc trồng keo tràm và rất ít các mô hình chăn nuôi.
Theo ông Hiền, mô hình nuôi cá chình của anh Nguyễn Văn Thanh đang mang lại những tín hiệu tích cực trong việc thay đổi tư duy của người dân.
"Bước đầu chúng tôi nhận thấy mô hình này sẽ có hiệu quả cao nên sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho anh Nguyễn Văn Thanh, trong đó có việc vay vốn. Sắp tới cũng sẽ nhờ anh tư vấn, hướng dẫn thêm cho bà con nhân dân, để có thể học hỏi, phát triển các mô hình tương tự", ông Hiền nói.