1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu

Thái Bá

(Dân trí) - Đang làm chủ xưởng cơ khí doanh thu trăm triệu mỗi năm, anh Dũng bất ngờ bỏ nghề về quê làm nông nghiệp. Người đàn ông khởi nghiệp lại ở tuổi 40, quyết làm giàu từ cây măng tây "vua của các loại rau".

Bỏ làm chủ xưởng về làm ruộng

Cánh đồng rộng hơn 2ha của người dân thôn Vân Thị, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) trước đây vào thời điểm này lác đác vài hộ trồng lúa, còn lại bỏ đất hoang để cỏ dại mọc um tùm. Từ đầu năm 2021 đến nay, một màu xanh mướt của cây măng tây đang bắt đầu hồi sinh vùng đất hoang hóa này.

Chủ nhân của 2ha măng tây xanh giàu chất dinh dưỡng trên là anh Phạm Văn Dũng (SN 1981). Đã từng làm chủ xưởng cơ khí với doanh thu cả trăm triệu đồng, anh còn giúp tạo việc làm cho 3 - 5 lao động (lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng).

Không ngờ, đang ăn nên làm ra, Dũng bất ngờ đóng cửa xưởng, bỏ nghề về quê làm nông nghiệp.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 1

Quyết định bỏ chủ xưởng cơ khí thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm về quê làm nông nghiệp của anh Dũng khiến nhiều người ngỡ ngàng (ảnh: Thái Bá).

Anh sinh ra từ làng, học xong cấp 3 đi học nghề cơ khí, rồi mở xưởng làm nghề 20 năm qua. Trong quá trình làm việc, anh thường xuyên được tiếp cận nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao khi thi công công trình cho khách.

Từ đó, niềm đam mê trồng trọt ngấm vào người khiến anh lúc nào cũng đau đáu thực hiện bằng được ước mơ làm nông nghiệp sạch.

Sau những giờ bận rộn với nghề cơ khí, Dũng lang thang ra các cánh đồng. Thấy đất tốt, bà con lại bỏ ruộng nhiều làm anh càng xót xa hơn. Nhiều đêm suy nghĩ trăn trở, Dũng quyết định bỏ nghề cơ khí về quê làm nông nghiệp, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê mình.

"Tôi quyết định bỏ nghề cơ khí, ai cũng cho mình là gàn dở. Bao nhiêu năm ăn học, lại thành công với nghề. Giờ bỏ đi khởi nghiệp lại từ đầu, không những vợ con mà gia đình hai bên cũng rất lo lắng cho tôi", anh Dũng chia sẻ.

Quyết làm giàu từ măng tây

Nói là làm, sau khi bỏ nghề cơ khí Dũng về quê đi đến từng hộ để xin thuê lại diện tích đất chỉ cấy được một vụ ở cánh đồng lúa quê mình. Rất nhiều người đã đồng ý với ý tưởng làm nông nghiệp hữu cơ của Dũng nên đã nhiệt tình đồng ý và ủng hộ.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 2

Toàn bộ diện tích đất trồng măng hơn 2ha được anh Dũng thuê lại của người dân địa phương (ảnh: Thái Bá).

Thuê được đất, Dũng xin chủ trương của địa phương sau đó dồn thành cánh đồng mẫu lớn. Vừa triển khai quây khu cải tạo đất, anh vừa tranh thủ ra các tỉnh có mô hình trồng thành công cây măng tây để học hỏi kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc, đặt mua cây giống…

Hơn 1 tỷ đồng tiền tích cóp được từ làm nghề cơ khí và vay của ngân hàng, anh Dũng bỏ ra đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, còn lại mua 700 triệu đồng cây giống (khoảng 10 nghìn đồng/cây) về bắt đầu trồng từ đầu năm 2021.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 3

Gã trai làng khởi nghiệp lại ở tuổi 40 chia sẻ, trồng măng tây không khó nhưng phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhất là phải sạch 100% để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng (ảnh: Thái Bá).

Một mình làm không xuể, anh thuê thêm 4 người làm việc thường xuyên tại ruộng với mức lương 5,6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, khoảng chục người cũng thường xuyên được anh thuê làm mỗi khi có việc thời vụ.

Đến nay, hơn 2ha măng tây của anh Dũng đang phát triển tốt và bắt đầu cho ra măng. Ngọn măng đầu này anh để cho cây giống phát triển thêm sẽ khỏe mạnh hơn.

"Măng tây là loại rau mới ít người biết, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Hiện mới chỉ được bán ở các siêu thị, làm món ăn ở các nhà hàng, khách sạn lớn. Giá cao nên những gia đình có điều kiện mới dám dùng, ít người trồng nên người dân vẫn chưa được tiếp cận nhiều. Vì thế loại rau này vẫn đang rất tiềm năng trên thị trường", anh Dũng nói.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 4

Anh Dũng hướng dẫn cho người làm thuê cách chăm sóc cây măng tây đang thời kỳ cho ra những ngọn măng (ảnh: Thái Bá).

Khi được hỏi về đầu ra cho sản phẩm, anh Dũng tự tin khoe: "Hơn 2ha măng tôi trồng chưa cho thu hoạch nhưng hiện đã có một công ty chuyên thu mua rau sạch ở Hà Nội về đặt hàng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Họ yêu cầu rất cao về chất lượng nên thường xuyên cử người về hỗ trợ, giám sát để quy trình trồng măng được an toàn, đạt chất lượng sản phẩm cao".

Anh Dũng bật mí, măng tây từ khi bắt đầu trồng đến tháng thứ 8 trở đi sẽ cho thu hoạch (khoảng 1 năm sẽ thu hoạch rộ). Khi bắt đầu thu, cây cho thu hoạch 4 tháng liên tục. Trên diện tích như hiện nay, năm đầu, anh Dũng nhẩm tính mỗi ngày thu được khoảng 100kg.

Với giá măng như hiện nay, mỗi ngày anh thu được từ 13 - 14 triệu đồng. Từ năm thứ 2 trở đi, sản lượng măng đạt cao hơn từ 150 - 180kg, số tiền thu về sẽ cao hơn rất nhiều.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 5

Hơn 2ha măng tây của anh Dũng đã bắt đầu ra những ngọn măng, chỉ ít tháng nữa sẽ cho thu hoạch với sản lượng cao (ảnh: Thái Bá).

Trừ hết chi phí, mỗi năm anh Dũng ước đạt trên 300 triệu đồng từ trồng măng tây. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng măng tây cao hơn rất nhiều so với các loại cây truyền thống như lúa, ngô, khoai…

Chia sẻ về cách trồng măng đạt hiệu quả, anh Dũng cho hay, đất phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, khi xuống giống thì hệ thống nước tưới phải được đảm bảo thường xuyên. Loài cây này không khó trồng nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ, nhất là khi làm theo hướng hữu cơ thì tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hóa học để trừ sâu bệnh, diệt cỏ. Sản phẩm bán ra phải sạch 100% để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chủ xưởng cơ khí thu 200 triệu/năm bỏ nghề về trồng măng tây làm giàu - 6

Ruộng măng của anh Dũng luôn sẵn sàng tiếp đón bà con nông dân đến học tập và chia sẻ kinh nghiệm nghề trồng măng tây hữu cơ để phát triển kinh tế (ảnh: Thái Bá).

Ông chủ vườn măng tâm sự thêm, ngoài kinh nghiệm học hỏi từ các nhà vườn khác, anh còn lên mạng, báo đài tìm kiếm thêm các công thức để pha chế các chế phẩm phòng trừ nấm và sâu bệnh hại măng. 

"Nấm là loại gây nguy hại nhất với măng, tôi đã nghiên cứu ra kỹ thuật trộn chế phẩm sinh học F1 với mật mía để trị được nấm. Nhờ vậy mà cây kháng được nhiều sâu bệnh, phát triển đẻ nhiều măng", anh Dũng khoe.

Vườn măng bạt ngàn của anh Dũng hiện đang thu hút rất đông bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đến học hỏi mô hình, kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ, nhất là từ cây có giá trị kinh tế cao măng tây xanh, loại rau được mệnh danh là "vua của các loại rau".

Ông Phạm Xuân Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Long (xã Gia Tân) chia sẻ: "Nghề trồng măng tây của anh Dũng là mô hình đột biến phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương hiện nay. Tương lai, nghề này sẽ cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hộ anh Dũng cũng là mô hình để bà con nhân dân trong toàn xã học tập để có hướng đi mới, mở rộng cánh đồng mẫu lớn".