Cặp vợ chồng lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản
(Dân trí) - Lợi dụng sự nhẹ dạ và mong muốn mức lương cao của người lao động, một số đối tượng ở Thanh Hoá đã lừa đảo việc tổ chức cho nhiều người đi lao động trái phép tại Nhật Bản, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 vợ chồng Nhữ Thị Nhàn (SN 1990, ở Như Thanh, Thanh Hóa) và Phạm Tuấn Anh (SN 1985, ở Ninh Giang, Hải Dương).
Theo đơn tố cáo của công dân tố, Nhữ Thị Nhàn - Giám đốc Công ty CP đào tạo Du học và Xuất nhập khẩu lao động Hoàng Phát (Cty Hoàng Phát) - cùng chồng đã thu tiền của 5 công dân trên địa bàn Thanh Hóa để đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản.
Việc đưa người lao động đi như trên dưới hình thức du lịch để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Phòng ANĐT Công an Thanh Hóa, xác định: Năm 2017, sau khi học tập, lao động ở Nhật Bản về nước, vợ chồng Nhàn đã thành lập Cty Hoàng Phát (có địa chỉ tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) và được cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản.
Mặc dù mới chỉ được cấp phép tư vấn du học, nhưng với sự hiểu biết về thị trường lao động Nhật Bản, các đối tượng trên đã câu kết với đầu mối khác để môi giới XKLĐ sang Nhật nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của vợ chồng Nhàn là đưa ra lời hứa về chế độ lương, thưởng và các chính sách trợ cấp xã hội khác mà người lao động (NLĐ) sẽ được hưởng như: Mức lương cao từ 950 - 1.400 yên/giờ x 8 giờ/ngày (tương đương từ 1,6- 2,3 triệu đồng/ngày), chưa kể thời gian làm thêm ngoài giờ; thời hạn thẻ cư trú lao động là 3 năm, hết hạn được gia hạn 2 lần, mỗi lần 1 năm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như lao động người Nhật Bản; sau 6 tháng được bảo lãnh cho người nhà sang Nhật Bản.
Để đi được theo hình thức trên, mỗi trường hợp phải nộp cho vợ chồng Nhàn 13.000 USD (gần 300 triệu đồng). Mức phí này cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, do Nhật Bản là thị trường lao động đòi hỏi rất khắt khe về trình độ chuyên môn, nên nhiều người không đủ tiêu chuẩn.
Từ đó, vợ chồng Nhàn đã tư vấn và vẽ ra nhiều khoản thu khác để “móc túi” NLĐ như: Mua bằng cao đẳng với giá 35 triệu/người, bằng đại học với giá 45 triệu đồng/người; “bao đậu đơn hàng” (tức là bảo lãnh không cần đạt tiêu chuẩn mà vẫn đạt yêu cầu khi phỏng vấn và vẫn đạt điều kiện như đơn hàng đã nêu)...
Không dừng lại ở đó, sau nhiều lần lấy lý do chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ và phía Nhật Bản đã hết nhu cầu tuyển lao động, trước sức ép của NLĐ đòi lại tiền đặt cọc, vợ chồng Nhàn lại quay sang tư vấn cho NLĐ đi theo đơn hàng “thương mại” với mức phí rẻ hơn (khoảng 10.500 USD/người).
Thực chất, đây là hình thức đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản lao động bất hợp pháp.
Với thủ đoạn tinh vi của vợ chồng Nhàn, nhiều lao động đã nhẹ dạ, cả tin “mắc bẫy” của cặp vợ chồng này, khi sang đến Nhật Bản thì mới biết mình bị lừa.
Nhiều trường hợp "ngậm quả đắng"
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan ANĐT, chỉ tính từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, vợ chồng Nhàn đã tư vấn cho 13 trường hợp sang Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư.
Trong đó, có 11 trường hợp đã xuất cảnh sang Nhật Bản; 2 trường hợp đã nộp tiền và chuẩn bị lên máy bay thì biết mình bị lừa nên đã không xuất cảnh theo như thỏa thuận.
Vợ chồng Nhàn khai nhận trước đó cũng tư vấn và móc nối với đối tác ở Hà Nội tổ chức cho 6 trường hợp khác sang Nhật Bản lao động và thu phí mỗi người 245 triệu đồng.
Các trường hợp này sau khi đến Nhật Bản đã bị phát hiện và trục xuất về nước.
Sau khi điều tra làm rõ, ngày 15/2/2019, cơ quan ANĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Tuấn Anh và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nhữ Thị Nhàn về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, mở rộng các đối tượng liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hành vi “Tổ chức đưa người khác đi nước ngoài trái phép”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Cty Hoàng Phát do Nhàn làm Giám đốc không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Đối với 11 trường hợp mà vợ chồng Nhàn móc nối với đối tác tổ chức xuất cảnh sang Nhật Bản cũng không có tên trong hợp đồng của bất kỳ công ty sử dụng lao động hay công ty tư vấn cung ứng lao động nào của Nhật Bản.
Hiện Cơ quan ANĐT đang tiếp tục điều tra làm rõ, đồng thời phối hợp với VKSND và TAND tỉnh Thanh Hóa để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Trần Lê