Cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt
Người lao động đang đứng trước nhiều thách thức mới do cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó cạnh tranh về vị trí việc làm sẽ khốc liệt hơn theo hướng đòi hỏi cao từ nhà tuyển dụng
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế buộc người lao động (NLĐ) trong nước phải cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay chính trên sân nhà. Trong khi đó, cách mạng công nghệ 4.0 cũng khiến nhân công của một số ngành nghề được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa, đồng thời xuất hiện những ngành nghề mới chưa từng có... Điều đó đòi hỏi NLĐ phải thường xuyên cập nhật kiến thức để có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
Nguy cơ "thua trên sân nhà"
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế với tỉ lệ lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 23,1%. Tuy được đánh giá là thị trường lao động rộng lớn nhưng chất lượng lao động của Việt Nam chưa cao, NLĐ làm việc trong các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao chiếm tỉ trọng nhỏ, chỉ khoảng 11% lao động có trình độ cao, lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỉ trọng lớn.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhìn nhận trong thời gian tới, sự cạnh tranh về nhân lực nằm ở kỹ năng nghề nghiệp. Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đang đổ về Việt Nam và nhân lực để đáp ứng cho các nhà tuyển dụng chính là thách thức.
"Nhu cầu về nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp (DN) hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 83%. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ trọng lớn và đó là thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, ngay từ bây giờ, NLĐ phải tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của mình nếu không muốn thua ngay trên sân nhà" - ông Tuấn cảnh báo.
Theo ông Tuấn, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đổi mới giáo dục đại học. Đồng thời, cần có các chính sách gắn kết giữa đào tạo và nhà tuyển dụng, DN đặt hàng cho nhà trường để chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh "thừa thầy, thiếu thợ" như trong suốt thời gian vừa qua.
Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ
Phát biểu trong hội thảo trực tuyến "GDNN: Thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0" được tổ chức ngày 25-6 vừa qua, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra thị trường lao động 4.0, cùng với đó là hệ thống giáo dục - đào tạo, GDNN 4.0.
Điều này đòi hỏi những kỹ năng mới trong lao động mà chúng ta cần phải truyền tải và thực hiện trong hệ thống GDNN. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, hệ thống GDNN cũng phải chú trọng đến kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, năng lực sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, GDNN đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Đó là, GDNN chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với người học, tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện bảo đảm chất lượng còn hạn chế, hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững.
Những thách thức đó đặt ra 5 yêu cầu mới đối với GDNN là: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Phát triển GDNN mở và linh hoạt. Chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết DN, DN phải là ngôi trường thứ hai. Yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài chính trong trường công phải triển khai từ năm 2025. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 (ngày 28-5-2020) về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị đã khuyến khích các DN thành lập cơ sở GDNN hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ; phối hợp với cơ sở GDNN đào tạo các trình độ GDNN và chương trình đào tạo khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải làm tốt công tác thông tin, dự báo chính xác, kịp thời về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của DN; đồng thời khuyến khích DN chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề theo quy định của pháp luật.
Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm chất lượng nguồn nhân lực
Theo báo cáo đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới công bố cuối năm 2019, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng 11 trong 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Như vậy, nhân lực nước ta còn yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp kém.
Theo Giang Nam
Người Lao động